Xung quanh việc ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm

Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:40

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm (đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đến ngày 30/5) thì chậm nhất đến ngày 1/1/2024, thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm.

Còn đối với sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công thì chậm nhất đến ngày 1/1/2025. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm thật sự cần thiết, nhưng một số nội dung trong dự thảo chưa phù hợp với thực tế.

Cụ thể, nội dung ghi thành phần dinh dưỡng phải đảm bảo 7 chỉ tiêu: Năng lượng, chất đạm, chất bột đường, đường, chất béo, chất béo bão hòa, natri.

thuc.png -0
Doanh nghiệp có nhiều ý kiến liên quan đến việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm. Ảnh minh họa

Bộ Y tế cho biết, đề xuất trên xuất phát trên cơ sở hướng dẫn áp dụng của Codex năm 2011 và hiện nay tiêu chuẩn hướng dẫn áp dụng của Codex đã được 70% các quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện đầy đủ, trong đó có các nước khu vực ASEAN như Singapore, Phillipin, Thái Lan, Indonesia…

Căn cứ theo các nghiên cứu khảo sát, xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến công nghiệp, bao gói sẵn ngày càng gia tăng và phổ biến, đã tác động lớn đến khẩu phần dinh dưỡng và sức khỏe của người Việt Nam.

Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, béo phì… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đó là do mất cân bằng dinh dưỡng với các hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, với việc ghi nhãn dinh dưỡng phải đảm bảo các chỉ tiêu như Bộ Y tế đề xuất, những người kinh doanh nhỏ lẻ cho rằng rất khó để thực hiện. Chị Nguyễn Thị Út, chủ tiệm bánh ngọt M&T (quận 4, TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình chị chuyên sản xuất các loại bánh ngọt vừa bán trực tiếp tại cửa hàng, vừa bán online. Mặc dù sản xuất thủ công, nhưng các loại nguyên liệu mua về đều có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trên bao bì sản phẩm cũng đều ghi rõ các nội dung như: Thành phần, nguyên liệu, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng…, nên từ trước đến giờ sản phẩm rất được khách hàng tin dùng. Còn việc người sản xuất phải tính toán được các chỉ số dinh dưỡng như trong dự thảo của Bộ Y tế thì rất khó. Bởi, muốn biết chắc chắn sản phẩm có đủ các chỉ tiêu dinh dưỡng hay không thì phải mang sản phẩm tới các trung tâm kiểm nghiệm để phân tích từng chỉ tiêu trên mỗi sản phẩm, trong khi chi phí kiểm nghiệm không phải là ít nên mô hình kinh doanh gia đình không thể kham nổi chi phí.

“Tôi cho rằng, với việc kiểm nghiệm, phân tích từng loại chỉ tiêu trên sản phẩm là chi phí quá lớn đối với các DN nhỏ, hộ kinh doanh gia đình. Hơn nữa, việc tính toán được thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi là rất khó, cho nên việc yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm sản xuất thủ công, sản phẩm nhà làm, là khó khả thi”, chị Út khẳng định.

Trên thị trường các loại thực phẩm sản xuất thủ công chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nếu áp theo quy định trong dự thảo, các DN, hộ kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại về gánh nặng chi phí kiểm nghiệm các chỉ tiêu, cũng như khả năng tính toán từng phần dinh dưỡng phải đảm bảo các chỉ tiêu đó. Bên cạnh đó, cũng sẽ khó đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khi mà các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đánh giá thực tế của DN, hộ sản xuất - kinh doanh để có điều chỉnh phù hợp, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) vừa có văn bản góp ý gửi đến các Bộ Trưởng: Y Tế, Công thương, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, các DN thuộc Hiệp hội VASEP cho rằng: Dự thảo vẫn còn một số nội dung bất cập lớn, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất – kinh doanh và đời sống nhân dân nên cần được xem xét sửa đổi. Nhiều quy định chưa phù hợp với các quy định của khu vực và quốc tế, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro, tốn kém lớn cho DN…

Chậm nhất đến ngày 1/1/2024, thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm. Chỉ có hơn 1 năm để thực hiện lộ trình này là quá ngắn, rất khó cho DN kịp chuyển đổi, trong khi ở EU và Nhật Bản đều cho lộ trình chuyển tiếp là 5 năm.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký VASEP cho rằng: Lộ trình này áp dụng cho cả sản phẩm đã sản xuất, lưu thông trên thị trường trước thời gian chuyển tiếp, thậm chí trước cả ghi thông tư ban hành, là trái với Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định “hàng hóa đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông… tiếp tục được lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa”.

Nếu như thế, sẽ dẫn đến việc nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường nhưng đến ngày 1/1/2024 dù vẫn còn hạn sử dụng, lại bị thu hồi do không đáp ứng yêu cầu ghi nhãn của Thông tư mới. Điều này sẽ gây ra tốn kém hàng chục ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Còn với nội dung trong dự thảo: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2025 sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm”, các DN cho rằng nội dung này là rất bất hợp lý, vì các thực phẩm sản xuất thủ công bởi các hộ gia đình như bánh tét, bánh chưng, bánh dày… sẽ không thể có khối lượng và thành phần chính xác như sản xuất công nghiệp, nên không thể đáp ứng yêu cầu của Dự thảo. EU, Trung Quốc, Nhật Bản đều có loại trừ cho các sản phẩm sản xuất thủ công. Quy định như dự thảo sẽ khiến các sản phẩm sản xuất thủ công bị cấm bán, đánh thẳng vào sinh kế của nhiều lao động và hộ gia đình tại nông thôn, có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội.

Hiệp hội VASEP kiến nghị, với nội dung dự thảo yêu cầu thành phần dinh dưỡng ghi 7 chỉ tiêu, thì chỉ nên ghi 4 chỉ tiêu giống các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, hoặc 5 chỉ tiêu như Nhật Bản và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để phân loại nhóm sản phẩm nào cần ghi chỉ tiêu gì. Ví dụ nhóm sản phẩm thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán vốn có nhiều chất béo bão hòa thì mới cần ghi hàm lượng chất béo bão hòa, nhóm nước giải khát thường hay chứa nhiều đường thì mới cần ghi tổng đường.

Riêng với lộ trình để thực hiện, nên tăng thời gian chuyển tiếp từ hơn 1 năm lên 2 năm. Hơn nữa, các mặt hàng đã sản xuất, lưu thông trước thời hạn này được tiếp tục lưu hành đến khi hết hạn sử dụng cho phù hợp với các Nghị định của Chính phủ và không gây khó khăn cho DN, người sản xuất.

Thúy Hà
.
.
.