Vùng cao Hướng Việt ổn định cuộc sống sau thiên tai

Chủ Nhật, 26/09/2021, 08:06

Mùa mưa bão năm 2020, người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã phải chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do những trận lũ quét, lở núi. Qua gần một năm, bằng sự cố gắng và nỗ lực hết mình của chính quyền và người dân để khắc phục hậu quả thiên tai, vùng đất này đã bắt đầu hồi sinh trở lại.

Từ ngã ba tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hơn 50km là đến xã vùng cao Hướng Việt. Con đường qua nhiều ngầm tràn, lắm đèo dốc khúc khuỷu sau gần một năm vẫn chưa hết dấu vết tàn phá nặng nề của lũ quét và sạt lở núi.

huong viet 2.jpg -0
Một góc xã Hướng Việt sau gần 1 năm xảy ra những trận lở núi kinh hoàng.

Chúng tôi dừng lại ở Km193 (tính từ Quảng Bình vào) để thắp nén nhang tưởng nhớ Đại uý Trương Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt đã hy sinh ở đây. Chiều tối 17/10/2020, trong lúc anh đang cùng với tổ tìm kiếm, cứu nạn của xã (do ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng) nỗ lực tìm kiếm 7 người dân ở địa phương đi làm rẫy bị mất tích do mưa lũ thì không may bị một ngọn núi sạt lở đổ sập xuống vùi lấp…

Địa điểm này cách trung tâm xã Hướng Việt khoảng 2km. Từ đây nhìn ra xung quanh, núi rừng vẫn còn nham nhở vết tích tàn phá khốc liệt của thiên tai. Ngoại trừ đường Hồ Chí Minh qua trung tâm xã cùng với nhà cửa, một ít ruộng lúa của bà con nhân dân kịp thời được sửa chữa, khắc phục do bị mưa lũ, lở núi làm xói lở, đứt gãy và bồi lấp hàng mét bùn non và đất đá, các cơ sở hạ tầng khác như đường liên thôn, hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân…, đều bị hư hỏng, phải đợi đầu tư sửa chữa, xây mới trong thời gian dài.

Bên cạnh, những mảng rừng lớn ở các triền núi, chân đồi khu vực đầu nguồn, sát hai bên đường Hồ Chí Minh và gần một số khu dân cư bị đổ sập, cuốn trôi trong các trận lũ quét, lở núi vào cuối năm ngoái, hiện đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở bất cứ lúc nào.

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt kể rằng, sau 6 tháng kể từ ngày ông được xuất viện trở về (trước đó, ông và Đại uý Thắng bị thương nặng), tiếp tục đảm nhận công việc, một số ảnh hưởng trực tiếp nặng nề của thiên tai đến người dân đã được khắc phục.

Trong đó, ưu tiên đầu tư xây mới, sửa chữa nhà cửa cho những hộ dân bị thiệt hại, bước đầu cải tạo một phần diện tích đất nông nghiệp bị lũ quét, lở núi bồi lấp không sản xuất được và bắt lại đường ống tạm thời cung cấp nước sinh hoạt cho bà con; sửa sang, khắc phục hư hỏng tại một số trụ sở thiết yếu như trạm y tế xã, trường học trên địa bàn và nhà thường trực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, còn nhiều công trình phúc lợi xã hội khác bị ảnh hưởng, hư hỏng nặng nề do trận mưa lụt lịch sử năm ngoái gây ra chưa có điều kiện đầu tư sửa chữa, khắc phục để hoạt động trở lại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn. “Xã hiện có gần 350 hộ dân, 1.500 nhân khẩu, chủ yếu người Vân Kiều.

Do địa phương nằm cách biệt giữa rừng, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống của người dân gần như tự cung, tự cấp. Sau thiên tai phần lớn diện tích lúa, hoa màu ở đây bị bùn non, đất đá sạt lở lấp dày hàng mét, qua nhiều tháng mới chỉ cải tạo được một phần nhỏ, vì vậy đời sống của bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước năm 2020, số hộ nghèo ở đây chiếm 40% thì nay đã đội lên gần gấp đôi, hơn 20% còn lại phần lớn đều thuộc hộ cận nghèo”, ông Sinh bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, không vì thế mà người dân buông xuôi, trông chờ, ỉ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà nước hay các cá nhân, tổ chức từ thiện xã hội, ngược lại thời gian qua bà con đã rất chủ động, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống.

Đơn cử, ở thôn Tà Rùng, bà con kêu gọi nhau cùng góp công sức khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp và nạo vét hệ thống thuỷ lợi để phục vụ phát triển sản xuất trở lại. Chúng tôi đến thôn Tà Rùng gặp anh Hồ Ta Nghĩa (SN 1989), thì mới hay, bà con trong thôn đã kiên trì, chịu khó làm ròng rã hơn 2 tháng trời để xúc, di chuyển xong khối lượng rất lớn đất, đá, bùn non vùi lấp khôi phục lại gần 3 hecta đất ruộng.

Sau đó, mọi người xúm vào nạo vét, xây đắp lại được gần 1km kênh mương thuỷ lợi bị vùi lấp, hư hỏng do mưa lũ để phục vụ cho việc phát triển sản xuất. Đến nhiều thôn khác như ở Ka Tiêng, Xa Đưng, chúng tôi cũng đã được bà con kể chuyện khôi phục đất sản xuất sau lũ quét. Kết quả đến nay, nhiều màu xanh của cây lúa, cây ngô đã bắt đầu lên xanh, cho thấy sự sống ở xã Hướng Việt đang trở lại và dần đi đến ổn định.

Theo ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, sau thiên tai cuối năm 2020, ngành nông nghiệp địa phương đã tập trung nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả. Trong đó, xã Hướng Việt bước đầu đã được hỗ trợ 550 triệu đồng để khôi phục hơn 30 hecta đất trồng lúa nước, hoa màu bị đất, đá và bùn non vùi lấp.

Hiện, đơn vị tiếp tục chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hoá phải thường xuyên bám sát thực tế địa phương để có những biện pháp giúp đỡ phù hợp, nhất là hỗ trợ bà con khôi phục chăn nuôi gia súc, gia cầm, trước mắt đảm bảo nguồn tự cung, tự cấp, về sau tìm đầu ra sản phẩm lâu dài cho bà con.

Thanh Bình
.
.
.