Vừa đánh bắt thủy hải sản vừa thu gom rác thải trên biển

Thứ Tư, 23/03/2022, 08:47

Đầu năm 2022 đến nay, hàng ngàn ngư dân ở Quảng Bình thực hiện phong trào ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản, đồng thời đưa rác thải vào bờ. Mỗi con tàu trước khi rẽ sóng đều chuẩn bị giỏ, bao bì đựng rác. Và khi tàu, thuyền cập bến không chỉ mang về cho ngư dân tôm, cá đầy khoang mà còn những bao rác được đưa về từ biển khơi để góp phần trả lại môi trường sạch cho biển.

Chúng tôi có mặt ở xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình khi mặt trời vừa ló rạng. Những con tàu của ngư dân đánh bắt trên vùng biển ở ngư trường xa Hoàng Sa, Trường Sa vừa cập bến. Với Cảnh Dương nơi có hơn 80% người dân lao động liên quan đến đánh bắt thuỷ hải sản thì biển cả không khác gì là quê hương thứ hai của mình. Những năm gần đây, khi đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, ngư dân đều nhìn thấy rất nhiều rác thải khó phân huỷ trôi lững lờ trên biển như bao bì, chai nhựa…

rac2.jpg -0
Ngư dân Quảng Bình chuẩn bị rổ nhựa gắn vào mạn thuyền trước khi ra khơi để vừa đánh bắt vừa thu gom rác thải trên biển.

Thậm chí một số ngư dân khi ra biển đánh bắt cũng có thói quen đem vứt bỏ các vật dụng như chai nước, chai dầu ăn, bao bóng xuống biển. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống cho thuỷ hải sản, và cũng chính là góp phần đảm bảo cuộc sống cho ngư dân, vì vậy ngư dân xã Cảnh Dương thống nhất, vừa đánh bắt vừa thu gom rác thải trên biển, đồng thời hạn chế việc ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển. Ngay khi vừa mới phát động, chỉ tuần đầu tiên, sau mỗi tàu cá của ngư dân xã Cảnh Dương đều có 2 túi lưới hoặc giỏ đựng rác thải mang theo.

Từ việc làm hiệu quả, thiết thực của một số ngư dân ở xã Cảnh Dương về việc đem rác thải vào bờ, huyện Quảng Trạch và cơ quan chức năng liên quan ở Quảng Bình đã chọn xã biển Cảnh Dương làm đơn vị triển khai điểm mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”. Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; để phát huy hiệu quả việc vừa đánh bắt thuỷ hải sản vừa đem rác vào bờ, bảo vệ môi trường biển thì xã nêu cao tinh thần của tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ biển xa... có uy tín trong cộng đồng được chọn làm nòng cốt, tiên phong thực hiện mô hình. Ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom đựng rác thải với vật liệu tận dụng lưới đánh cá hỏng, không làm phát sinh chi phí. Chính quyền địa phương cũng bố trí nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ tại các điểm tập kết để thu gom rác thải.

Ông Lê Ngọc Tình, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, chủ tàu QB 93561TS cho biết, ông gắn túi lưới phía sau tàu cá để thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày khi đánh bắt trên biển. Ông Tình là một trong những ngư dân đầu tiên đăng ký thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu cá mang về bờ. Một túi đựng rác tái chế như chai nhựa, vỏ lon, túi còn lại đựng rác thải không thể tái chế. “Mỗi chuyến biển khoảng 20 ngày, 1 tàu cá xả ra khoảng 10kg rác thải. Anh em nhắc nhở nhau trên các đoàn tàu cùng nhau để bảo vệ môi trường bến bãi và biển được sạch. Sau khi sử dụng rác thải thì mình không vứt ra biển mà phải mang về, giúp làm sạch cho môi trường, đồng thời thấy rác thải trôi dạt ngư dân cũng vớt bỏ vào túi đựng rác”.Ông Tình cho biết thêm.

Từ mô hình ban đầu ở xã Cảnh Dương đã lan toả đến các xã biển của tỉnh Quảng Bình. Đến nay, hầu hết ngư dân Quảng Bình đã thực hiện việc vừa đánh bắt thuỷ hải sản, vừa có ý thức đưa rác vào bờ. Ngư dân Nguyễn Vinh Bảo, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch là thuyền trưởng tàu cá QB 93688TS chỉ vào 2 túi rác phía đuôi tàu cười nói với chúng tôi; “Bao đựng túi nilon và rác không tái chế thì mình cho vào bãi tập kết, còn bao kia đựng vỏ lon bia, chai nhựa thì đem bán ve chai, có tiền mua nước giải khát cho anh em bạn thuyền”.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình cho biết, Quảng Bình hiện có gần 7.800 tàu cá trong đó có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Mỗi chuyến biển, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho việc khai thác dài ngày trên biển. Vì thế mà lượng rác thải trên các tàu rất nhiều, nếu xả trực tiếp xuống biển sẽ hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh và làm ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, rác thải trôi nổi trên vùng biển ngư dân đánh bắt như lưới đánh cá trôi nổi, chai nhựa, túi nilon rất nguy hại cho các loài nguy cấp, quý hiếm như cá heo, cá voi, rùa biển... Nên việc vận động ngư dân vừa đánh bắt vừa thu gom rác thải sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển. Trong năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phấn đấu có 100% tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia thu gom rác. Còn theo ông Hoàng Viết Thông, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình thì nếu tất cả các tàu cá Quảng Bình tham gia mô hình sẽ thu gom số lượng rác thải rất lớn, có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn tấn rác thải mỗi năm. Chi cục thuỷ sản Quảng Bình phối hợp với các địa phương thường xuyên nhắc nhở đến khi ngư dân có ý thức về thu gom rác thải nhựa, khi ngư dân thành thói quen thì vấn đề chung tay bảo vệ môi trường biển của ngư dân thực sự có hiệu quả cao.

Sông Lam-T.Hiếu
.
.
.