Vì sao nhiều xe khách bỏ bến chạy "dù"?

Chủ Nhật, 27/11/2022, 06:59

Trước thực trạng xe khách đồng loạt bỏ bến ra ngoài hoạt động kiểu “xe dù, bến cóc”, ngày 10/11 vừa qua, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có giải pháp quản lý đối với xe khách hoạt động trái quy định, tháo gỡ khó khăn trong vận tải khách tuyến cố định và của bến xe khách.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và thông tư hướng dẫn số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ về hoạt động của xe hợp đồng. Thậm chí từ ngày 1/1/2022 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn phải cung cấp các nội dung tối thiểu của hợp đồng qua phần mềm của Bộ GTVT.

xe.jpg -0
Xe chạy tuyến cố định đậu chờ khách trong bến.

Nhưng đến nay chỉ có loại hình xe hợp đồng đưa đón cán bộ CNV, học sinh theo số lượng người đi và đi theo lộ trình cố định hàng ngày và xe hợp đồng chở khách đi tham quan, du lịch, lễ hội, đám hiếu hỉ hoặc khách đi công tác là cơ bản phù hợp với yêu cầu quản lý và các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trên.

Trong khi đó những năm gần đây đã xuất hiện hàng nghìn xe hợp đồng được cải tạo từ các loại xe 16 chỗ ngồi thành 10-12 chỗ nằm, loại xe limousine và loại xe 16 chỗ nguyên bản. Những loại xe này phát triển rất nhanh và được cấp giấy phép, phù hiệu xe hợp đồng, có những doanh nghiệp phát triển đến hàng trăm đầu xe. Khi hoạt động không có hợp đồng vận tải được ký kết, nhà xe chỉ kết nối với hành khách qua điện thoại hoặc zalo, lợi dụng quy định không cấm xe 16 chỗ vào khu vực trung tâm để đón trả khách trên đường phố hoặc tại nhà với hành trình lặp đi lặp lại.

Thực chất đây là hoạt động kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định. Tình hình trên đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn nên một số tuyến cố định cũng bỏ bến xe ra ngoài chạy “dù” tại các bến “cóc” trên địa bàn các thành phố lớn gây mất trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là tình trạng này đã tạo thế cạnh tranh không bình đẳng, dẫn đến số lượng xe khách chạy trên các tuyến cố định vào bến xe khách chỉ còn 50-60% và đẩy 40-50% số bến xe khách liên tỉnh đối mặt với bờ vực phá sản.

Để cứu hoạt động vận tải khách liên tỉnh, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi các quy định để cụ thể hóa việc quản lý vận tải khách theo hợp đồng bởi các quy định hiện nay chỉ  phù hợp để quản lý các xe khách thực sự chạy hợp đồng. Đối với các doanh nghiệp vận chuyển khách hợp đồng trá hình, cần phải xác định đây là xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định; không chỉ giúp thống nhất việc quản lý ở các Sở GTVT, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý thuế.

Thực tế hiện nay các loại xe này đang hoạt động như phương tiện trên tuyến cố định, không có hợp đồng vận chuyển khách nên không phải xuất hóa đơn. Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng Bộ GTVT cần sửa đổi quy định về cấm xe khách vào nội đô theo hướng xác định số ghế theo số ghế nguyên bản của xe thay vì theo diện tích chiếm chỗ của xe khách. Đồng thời cần chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh, thành khai thác dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe hợp đồng để thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm. Cơ quan chức năng và chính quyền cấp phường, xã cần tăng cường xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn...

Ngày 18/11, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động, "xe dù, bến cóc" có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt ở các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại TP Hồ Chí Minh, thông tin từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới cho thấy, từ khi di dời giai đoạn 2 từ bến cũ ra bến mới, đến nay đã 1,5 tháng, nhưng bình quân mỗi ngày BXMĐ mới chỉ có khoảng 200 chuyến xe xuất bến với 2.600 hành khách và con số này đang có chiều hướng giảm. Trong khi đó chỉ tính riêng số đầu xe thuộc diện phải di dời từ bến cũ ra bến mới trong giai đoạn 2 đã đạt 492 chuyến với hơn 6.400 hành khách hàng ngày. Thậm chí trước đó số chuyến xe của các đơn vị vận tải trong diện phải di dời đăng ký tại BXMĐ cũ còn lên đến 1.036 chuyến/ngày. Có đến cả nghìn đầu xe khách bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND Thành phố lập hành lang giới hạn để xe khách giường nằm không đi vào các quận nội thành cũ, giới hạn từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, bắt đầu thực hiện từ ngày 15/12 sắp tới.

Sở GTVT cho rằng thuận lợi là hiện nay các xe khách khi đi, đến TP Hồ Chí Minh chỉ được đón trả khách tại 5 bến xe khách liên tỉnh tại Thành phố và hầu hết các bến xe trên đều nằm ngoài và gần với vành đai các tuyến đường giới hạn khu vực nội thành. Việc lập hành lang cấm xe khách giường nằm chạy tuyến cố định vào nội thành còn nhằm hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng tại khu vực này.

Để phát huy hiệu quả, Sở GTVT cần cắm biển báo cấm xe giường nằm tại đầu các tuyến nối từ hành lang vào nội thành, tiến tới cần cấm cả xe ghế ngồi chạy tuyến cố định từ 30 chỗ trở xuống chạy vào nội thành.

Đ.Thắng
.
.
.