Vì sao người lao động không mặn mà với đào tạo nghề miễn phí?
Báo cáo thị trường lao động của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội mới công bố, trong tháng 9, trung tâm đã thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 8,5 nghìn trường hợp người lao động. Dù mất việc, nhưng vẫn có rất ít người tham gia học nghề nâng cao trình độ, chuyển đổi công việc. Chỉ có 204 người quyết định nhận hỗ trợ học nghề. Nếu tính cả 9 tháng năm 2024, chỉ có 842 người nhận hỗ trợ học nghề để tìm kiếm việc làm mới. Những con số trên cho thấy, chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí hiện đang tồn tại nhiều bất cập, cần sớm có sự điều chỉnh.
Nhiều khó khăn bủa vây người lao động mất việc
Tháng 9 hàng năm là thời điểm hoạt động tìm kiếm việc làm diễn ra sôi động, do đây là thời điểm kết thúc năm học nên học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học bắt đầu tham gia tìm kiếm việc làm. Chính vì thế áp lực trên thị trường lao động rất lớn. Chỉ riêng trên địa bàn TP Hà Nội, người lao động có nhu cầu tìm việc trong tháng 10 là khoảng 16 nghìn người.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin của 7,5 nghìn hồ sơ người tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, đa phần lao động đang tìm kiếm việc làm là những lao động có tay nghề không ổn định, thấp hoặc thậm chí không có tay nghề (nằm trong nhóm khoảng 44% chưa qua đào tạo). Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, khi phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao hơn được ưu tiên giữ lại.
“Thời gian qua, đa phần lao động mất việc là lao động có trình độ tay nghề thấp, vì thế để họ quay trở lại thị trường lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, thì vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, qua theo dõi thời gian dài thì dù được tư vấn nhưng đa số người lao động khi mất việc chỉ đến trung tâm nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không lựa chọn học nghề dù đó là quyền lợi mà người lao động được hưởng”, ông Thành cho biết.
Tại sao lao động có tay nghề trình độ thấp dù mất việc lại chẳng “mặn mà” tham gia học nghề để chuyển đổi công việc? Theo lý giải của ông Thành, do lao động phổ thông thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng vì hạn chế về tài chính, thời gian và thông tin. Nhiều lao động phổ thông không đủ khả năng tài chính để tham gia các khoá học nâng cao hoặc các chương trình đào tạo chuyên sâu.
“Hiện nay, mức chi hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia đào tạo nghề còn thấp và thời gian đào tạo cũng ngắn (thường dưới 3 tháng) nên khó thu hút người lao động tham gia chuyển đổi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều người lao động phổ thông thiếu thông tin về các cơ hội đào tạo và cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng trong việc cải thiện thu nhập và cơ hội nghề nghiệp. Không những vậy, người lao động ở trình độ thấp thường phải làm việc nhiều giờ và còn có trách nhiệm gia đình khiến họ khó có thể tham gia các khoá đào tạo dài hạn hoặc ngoài giờ làm việc nữa. Do đó, việc điều chỉnh chính sách, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp là vấn đề rất cần phải được chú trọng để hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm”, ông Thành lý giải.
Người lao động cần được hỗ trợ
Vấn đề này không mới, tuy nhiên nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp toàn diện. Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2023, cả nước chỉ có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Theo các chuyên gia lao động, chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm hiện mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng, chính sách hỗ trợ hiện nay cần có sự điều chỉnh, thiết thực hơn với người lao động. “Nên có hỗ trợ tiền đi lại, ăn trưa cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho họ trong việc đi học đạt kết quả tốt hơn", bà Liễu nói.
Theo lý giải của bà Liễu, nếu không có sự hỗ trợ thì rất khó để người lao động thất nghiệp tham gia học nghề. Bởi mất việc làm đã là thiệt thòi rất lớn, số tiền trợ cấp lại chỉ bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, trong khi đa số họ lại là trụ cột của gia đình. Nếu học nghề phải chi trả thêm tiền đi lại, ăn trưa hoặc nghề muốn theo học có mức giá yêu cầu cao hơn phần nhà nước hỗ trợ (không quá 4,5 đồng triệu/khoá học kéo dài 3 tháng; từ 3-6 tháng không quá 9 triệu đồng; người lao động chỉ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng và không quá 6 tháng), người lao động sẽ không thấy hấp dẫn.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp tham gia học nghề chuyển đổi việc làm đang bộc lộ những bất cập. Tới đây sẽ có những điều chỉnh, điều này được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được soạn thảo.
“Luật Việc làm sửa đổi đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung một số hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Bình nói.