Vì sao Đà Lạt phải dỡ bỏ hết nhà kính, nhà lưới?
Đà Lạt sẽ dỡ bỏ hết nhà kính, nhà lưới trước năm 2030. Đó là một trong những nội dung vừa được ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này bổ sung vào đề án “Quản lý nhà kính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu bổ sung lộ trình giảm diện tích nhà kính tại khu vực nội ô của TP Đà Lạt và các thị trấn. Riêng TP Đà Lạt phải làm rõ tỉ lệ giảm dần diện tích nhà kính hàng năm theo hiện trạng để tới năm 2030, các phường của TP Đà Lạt sẽ không còn nhà kính, nhà lưới.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, ông Phạm S đã yêu cầu UBND các huyện và UBND TP Đà Lạt chịu trách nhiệm triển khai việc rà soát, thống kê diện tích nhà kính xây dựng trái pháp luật, lập kế hoạch giải tỏa, di dời nhà kính xây dựng vi phạm, đồng thời quản lý chặt chẽ diện tích nhà kính sau giải tỏa.
Mục tiêu của đề án này là tỉnh Lâm Đồng hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.
Nhà kính bắt đầu được hình thành tại TP Đà Lạt từ sau năm 1990. Từ khi xuất hiện, loại hình này đã phục vụ đắc lực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩn của các loại cây trồng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc đưa Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà kính, nhà lưới tại Lâm Đồng đã bọc lộ rất nhiều bất cập, gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Hậu quả rõ ràng nhất là góp phần gây nên những trận lũ lụt bất thường vì nước mưa không thể ngấm xuống lòng đất. Mực nước ngầm tại những vùng tập trung nhiều nhà kính, nhà lưới cũng bị giảm sút đáng kể.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 4.476ha diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để trồng rau, hoa.