Vì sao các cơ sở y tế công thiếu vaccine dịch vụ?
Nhiều cơ sở y tế công đóng cửa phòng tiêm chủng lâu nay vì không có vaccine dịch vụ để tiêm cho người dân, đặc biệt thiếu vaccine dại và huyết thanh kháng dại. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại lớn nhưng có người phải chạy tới vài chỗ mới tiêm được vì có nơi hết, có nơi đóng cửa.
Ngoài thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thiếu vaccine dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập đã làm gián đoạn tiêm chủng của người dân. Trong khi nhiều dịch bệnh đang bùng phát, tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, nếu gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đóng cửa, bàn tiêm chủng “phơi sương”
Đơn vị tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) là địa chỉ tin cậy được rất nhiều phụ huynh lựa chọn để tiêm chủng cho con em. Trung bình mỗi ngày ở đây có từ 400-500 người đến tiêm chủng vaccine các loại, cao điểm có khi lên tới 1.000-1.200 người/ngày. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, các điểm tiêm chủng của đơn vị này đã đóng cửa do không có vaccine. Các bàn tiêm chủng ở đây “phơi sương” và phủ bụi, hoàn toàn khác biệt với cảnh nhộn nhịp trước kia.
Anh Nguyễn Văn Bình (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Con tôi bị chó cắn, đưa con tới điểm tiêm chủng của CDC Hà Nội tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại mới biết tại đây đóng cửa. Chạy lên 50C Hàng Bài cũng không có. Hai bố con tới trung tâm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mới có vaccine. Nhưng tiêm được 2 mũi, đến mũi 3 thì hết, lại phải tìm cơ sở tiêm chủng tư nhân khác”. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, đơn vị tiêm chủng đã đóng cửa hơn một năm nay, có rất nhiều người dân hỏi bao giờ mở cửa hoạt động trở lại. Trong tình hình này, chưa biết bao giờ mới hoạt động lại được.
Theo một đơn vị nhập khẩu vaccine thì vaccine dịch vụ không thiếu nhưng vướng mắc hiện nay là các cơ sở y tế công lập trong lĩnh vực y tế dự phòng không đấu thầu được. Đặc biệt, với vaccine phòng bệnh dại, việc này rất nghiêm trọng nếu thiếu. Từ năm 2022 đến nay, vaccine và huyết thanh kháng dại thiếu cục bộ ở nhiều địa phương.
Có tỉnh, CDC không đấu thầu được nên không có vaccine phòng bệnh dại tiêm cho người dân. Dại là bệnh cấp tính nguy hiểm, càng tiêm vaccine sớm càng hiệu quả phòng bệnh. Thậm chí, có nhiều thời điểm, Viện Paster TP Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng hết vaccine dại.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các đơn vị y tế công lập, nhưng không đề cập đến mua sắm vaccine dịch vụ. Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện chưa tháo gỡ được hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đấu thầu vaccine, nội dung sửa đổi trong Thông thư 06 chủ yếu là mua sắm thuốc để phục vụ công tác điều trị trong các cơ sở khám chữa bệnh.
“Chúng tôi chưa dám bắt tay vào mua sắm được. Người dân đã tiêm vaccine dịch vụ, họ chỉ yêu cầu tiêm vaccine của Bỉ và Pháp, theo đúng quy định thì chỉ đấu thầu được vaccine của Ấn Độ. Như vậy, không đạt được tiêu chí mong muốn của người dân, người dân không tiêm. Trong khi tiêm chủng mở rộng miễn phí cũng có vaccine này, không lý gì người ta lại bỏ tiền ra tiêm lại vaccine miễn phí đó”, BS Tuấn nói.
Thiếu hành lang pháp lý
Vaccine dịch vụ không thiếu, nhưng nhiều cơ sở y tế công không có, nguyên nhân là thiếu hành lang pháp lý để các cơ sở y tế công mua được vaccine.
“Tôi thường xuyên cho con tiêm vaccine tại các cơ sở y tế công như CDC Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bởi giá thành thấp hơn so với cơ sở tư nhân và thấy yên tâm hơn về độ an toàn. Chẳng hạn như vaccine phòng ung thư cổ tử cung 9 chủng, giá ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thấp hơn so với các đơn vị tiêm chủng tư nhân, nhưng khi cho con tới tiêm thì hết, chưa biết khi nào đấu thầu được để có vaccine”, chị Phạm Thị Nga (Hà Nội) cho biết.
Hiện nay, nhiều cơ sở tiêm chủng tư nhân ra đời, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn thiếu vaccine dịch vụ ở cơ sở y tế công vừa qua, tiêm chủng tư nhân đã đóng vai trò quan trọng để không bị đứt gãy tiêm phòng các bệnh dịch nguy hiểm cho người dân.
Tuy nhiên, phòng tiêm chủng của CDC và một số cơ sở y tế công lập có vai trò rất quan trọng là chích ngừa huyết thanh, một điều rất khó mà hầu hết các điểm tiêm chủng tư nhân đều không làm được.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong vaccine dịch vụ, hiện có đơn vị công lập và ngoài công lập thực hiện. Đơn vị công lập thực hiện thì vaccine mua sắm theo đúng quy định của nhà nước. Bộ Y tế thừa nhận thủ tục cung ứng vaccine ở một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập gặp một số vướng mắc.
Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: “Nếu nguồn cung hiện chưa cấp phép thì quay trở lại cấp phép như thế nào cho nhanh. Nếu cấp phép rồi mà có khó khăn trong nhập khẩu, đây là việc của doanh nghiệp, nếu vướng ở Bộ Y tế, Bộ Công thương hay ở đâu thì chúng tôi sẽ tìm hiểu”.
Theo Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong việc mua vaccine phục vụ nhu cầu người dân.
Đồng thời, đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài các vaccine dịch vụ, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm.
Theo báo cáo của các địa phương, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản… trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường.