Vận động người dân mở lối thoát hiểm thứ 2 tại các khu nhà ở kết hợp kinh doanh

Thứ Hai, 10/04/2023, 08:21

Liên tiếp những vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua gây thiệt hại về người và tài sản. Đa phần các vụ cháy xuất phát từ nhà ở kết hợp với kinh doanh, nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do chạm, chập điện. Các vụ cháy dẫn đến chết người trong thời gian qua đa phần là các hộ có nhà ở kết hợp với kinh doanh và những hộ này đều không có lối thoát hiểm thứ 2…

Ngày 4/4, đám cháy bùng phát tại một tiệm kinh doanh phở kết hợp với cho thuê phòng trọ khiến 120/240m2 bị cháy rụi cùng nhiều tài sản bên trong. Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn 35 người thoát nạn, cứu 4 người mắc kẹt. Tuy nhiên trong đám cháy làm một người tử vong là anh N.V.C (SN 1988, ngụ Hóc Môn). Nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện bảng quảng cáo. Dãy phòng trọ bị ảnh hưởng, gần 40 người phải di dời sống tạm bợ ở nơi khác.

Rạng sáng 7/4, đám cháy bùng phát tại căn nhà ở kết hợp với buôn bán lốp xe, những người trong nhà đã kịp thời thoát ra ngoài trước khi ngọn lửa lan rộng. Đám cháy được dập tắt nhưng căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng trong căn nhà biến thành tro. Cùng ngày, một quán trà sữa góc đường Vĩnh Viễn-Ngô Quyền, quận 10 bốc cháy, một số người ở lại trong quán trà sữa đã kịp thoát ra ngoài trước khi quán bị cháy hoàn toàn.

Vận động người dân mở lối thoát hiểm thứ 2 tại các khu nhà ở kết hợp kinh doanh -0
Vụ chập điện bảng quảng cáo gây cháy tại quán cơm.

Nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây tại TP Hồ Chí Minh, những căn nhà này đều kết hợp giữa ở và kinh doanh. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao trong thời gian qua. Việc nhà ở kết hợp với kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bởi, nhiều hộ gia đình lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát mức độ an toàn của các thiết bị điện cũng như dây dẫn điện một cách thường xuyên. Thời tiết tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua nắng gắt, kèm theo những cơn mưa trái mùa dẫn đến các đường dây dẫn điện bị chạm chập dẫn đến cháy. Vì vậy, người dân cần kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện đang sử dụng thường xuyên để phát hiện ra bất thường nếu có, nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Những hộ gia đình sử dụng nhà vừa để ở, kết hợp với kinh doanh cần có lối thoát hiểm thứ 2 để khi xảy ra sự cố cháy nổ, những người trong nhà có thể thoát ra ngoài, tránh thiệt hại về nhân mạng. Theo thống kê năm 2022, TP Hồ Chí Minh xảy ra 232 vụ cháy làm 4 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Trong các vụ cháy, các tổ cứu nạn cứu hộ đã kịp thời tìm kiếm đưa 75 người thoát khỏi đám cháy và hướng dẫn cho hàng trăm người thoát khỏi đám cháy. Những vụ cháy dẫn đến chết người những căn nhà này đều không có lối thoát hiểm thứ 2.

Nhờ tuyên truyền vận động người dân có nhà ở kết hợp với kinh doanh mở lối thoát hiểm thứ 2, cho đến nay đã có hơn 107 ngàn trường hợp đã mở lối thoát hiểm thứ 2, hơn 108 ngàn gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, hơn 100 ngàn gia đình trang bị phương tiện thoát nạn tại chỗ. Nhận thấy việc mở lối thoát hiểm thứ 2 là cần thiết đã có 1,4 triệu nhà dân mở lối thoát hiểm thứ 2, hơn 1,6 triệu nhà dân trang bị bình chữa cháy và hơn 1,6 triệu nhà dân trang bị dụng cụ thoát nạn. Song song với việc nâng cao ý thức phòng cháy của người dân, TP Hồ Chí Minh đã có 462 tổ liên gia PCCC và 642 điểm chữa cháy công cộng. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ dẫn đến thiệt hại về tài sản và người, mỗi hộ gia đình đã có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng-Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù công tác PCCC đạt thành tích cao, người dân đã bắt đầu ý thức về việc PCCC để không gây thiệt hại về tài sản và thiệt hại cho chính bản thân mình và gia đình, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ, cháy nổ cao. Rất nhiều người dân, hộ kinh doanh còn lơ là trong công tác PCCC, thiếu hiểu biết, kiến thức pháp luật PCCC, phương tiện phục vụ trong PCCC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để giảm các vụ cháy trong năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị phòng cháy các quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng PCCC và CNCH cho các doanh nghiệp, người dân, kiểm tra khắc phục những tồn tại tại cơ sở để ngăn ngừa cháy. Tiếp tục vận động người dân tự trang bị lối thoát hiểm thứ 2, trang bị bình chữa cháy và dụng cụ thoát nạn. Phòng Cảnh sát PCCC phải phối hợp với các cấp, tham mưu cho chính quyền địa phương, cho lãnh đạo TP, lãnh đạo Bộ Công an để khắc phục triệt để những tồn tại trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Nghinh Phong
.
.
.