Ước vọng hồi hương
Ông Nhữ Dăm Hoàng từng được phong là “Phó Tổng thống” cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” nhưng đã từ bỏ con đường lầm lạc khi nhận ra âm mưu, thủ đoạn của tổ chức FULRO lưu vong. Trải qua cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt ở xứ người, cũng như nhiều Việt kiều ở Mỹ, ông luôn mong ước được trở về sum họp, đón cái Tết sum vầy với bà con, buôn làng …
Từ bỏ FULRO, “Tin lành Đê ga”
Đến làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi thấy ông Nhữ Dăm Hoàng đang chậm rãi thả bộ trên con đường làng quen thuộc. Ở tuổi 87 với mái đầu bạc phơ, mắt mờ, chân chậm nhưng tinh thần của ông Nhữ Dăm Hoàng vẫn rất minh mẫn, nói chuyện rõ ràng, mạch lạc.
“Hiện tôi sinh sống tại Green Sboro - một thành phố thuộc tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ. Tôi về huyện Đak Đoa thăm thân từ tháng 9-2022. Hồi năm 2013, tôi cũng có dịp về quê. Lần nào trở về cũng thấy quê hương mình đổi thay, phát triển. Đường sá, nhà cửa ngày một khang trang, xe cộ nhiều hơn. Bà con trong làng biết học hỏi làm kinh tế, lo cho các con được học hành”.
Năm 1995, ông Nhữ Dăm Hoàng từng hoạt động trong tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ. Năm 2000, ông được “Tổng thống” tự xưng Ksor Kơk phong chức vụ… “Phó Tổng thống”. Nhữ Dăm Hoàng cùng Kơk và một số đối tượng cầm đầu tổ chức FULRO lưu vong nhiều lần móc nối với số tay chân trong nước lừa phỉnh, khống chế bà con tham gia FULRO, “Tin lành Đê ga”, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, ông đã nhận ra Ksor Kơk và FULRO lưu vong chỉ là con bài chính trị của các thế lực thù địch. Để nhận tiền từ các tổ chức phản động khác, chúng giở mọi mánh khoé và chiêu trò nhằm khuếch trương thanh thế, gây ảo tưởng cho số đối tượng trong nước về sự thành công của cái gọi là “Nhà nước Đêga tự trị tại Tây Nguyên”, mục đích nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Không chấp nhận làm tay sai ngoại bang, phản bội dân tộc, đồng bào mình như Kơk, từ năm 2009 đến nay, ông Nhữ Dăm Hoàng từ bỏ tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”.
Thượng tá Phan Thanh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Năm 2013, được tạo điều kiện về Việt Nam thăm thân, ông Nhữ Dăm Hoàng tích cực tham gia cùng chính quyền và lực lượng Công an tiến hành hàng chục đợt tuyên truyền cho hàng ngàn người dân các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai, Chư Prông. Ông thẳng thắn vạch mặt âm mưu, thủ đoạn của Ksor Kơk và FULRO lưu vong rành rọt bằng cả 2 thứ tiếng Jrai, Bahnar. Với lời lẽ đanh thép, thuyết phục, ông thức tỉnh những người còn u mê nhận ra bản chất, thủ đoạn đê hèn của FULRO, “Tin lành Đê ga”, yên tâm làm ăn, sinh sống trên quê hương mình”.
Về thăm quê lần này, mặc dù tuổi cao, sức yếu, không trực tiếp đi tuyên truyền, nhưng qua cuộc chuyện trò, dễ nhận ra ông vẫn giữ quan điểm của mình về bản chất của FULRO lưu vong và mong muốn bà con đừng đi vào con đường sai trái. “Hiện nay, tổ chức FULRO phân tán. Những kẻ cầm đầu không có trình độ nhưng lại vỗ ngực tự xưng là “Chủ tịch”, là “Tổng thống”, chỉ biết khoác lác trên các diễn đàn, mạng xã hội, sớm muộn cũng chết yểu mà thôi. Bản chất của chúng vẫn là “sói đội lốt cừu”, nhân danh điều tốt đẹp để làm những chuyện xấu xa, lợi dụng tôn giáo hòng trục lợi cá nhân, làm cho dân mình chia rẽ, đói khổ”, ông Hoàng lắc đầu ngán ngẩm.
Không đâu bằng quê hương mình
Cũng như nhiều kiều bào ở Mỹ, cuộc mưu sinh của gia đình ông Nhữ Dăm Hoàng không hề dễ dàng. Năm 1991, khi được người thân bảo lãnh sang Mỹ, ở tuổi 55, ông chật vật mãi mới kiếm được chân nhân viên vệ sinh ở một bệnh viện. Ông kiên trì làm công việc này đến tận năm 2013 để được nhận lương hưu. Ông Hoàng kể: “Công việc của tôi ở bệnh viện là quét dọn, rửa chén. Dù bị nhiều người miệt thị, khinh thường, tôi cũng phải cố gắng nhẫn nhịn, làm việc để có tiền nuôi vợ và 6 con nhỏ. Sau mấy năm ở nhà trọ, tôi mua nhà trả góp, hạn 30 năm. Tháng nào, tôi cũng phập phồng lo sợ không đủ trả tiền nhà đúng hạn, sợ bị đuổi. Nhiều người Việt ở TP Green Sboro chọn cách ở nhà thuê, lỡ bị đuổi thì khỏi lo mất tiền trả góp. Nhưng như vậy thì không ổn định”.
“Cũng có người lúc mới qua không chịu được khổ, nhảy việc liên tục nên về già không được nhận trợ cấp, không có lương, con cháu phải lo. Họ muốn về quê nhưng không có tiền, mắc kẹt luôn bên Mỹ. Tôi và các con muốn hồi hương sinh sống nhưng chưa có tiền mua đất, mua nhà bên này. Hơn nữa, vợ tôi mất năm 2005 an táng bên đó, đưa cả bà ấy về chi phí hết khoảng 27.000 đô la (khoảng 656 triệu đồng), gia đình tôi không có khả năng lo được” - ông chia sẻ.
Nói đến đây, ông Hoàng trầm ngâm, nhìn vào một nơi xa xăm, vô định: “Nhưng về được quê hương đã là may rồi. Ở làng thì còn bà con, anh em cưu mang, giúp đỡ, nếu chịu khó thì lại gây dựng được kinh tế, ổn định cuộc sống. Còn nếu qua Mỹ, nguy cơ trở thành người vô gia cư là rất cao. Hãy suy nghĩ thật kỹ! Đi gần trọn cuộc đời rồi tôi biết, không đâu bằng buôn làng mình”.