Trồng 1 triệu ha lúa phát thải thấp, nông dân có thêm 16.000 tỉ đồng
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến 2030 giúp nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Điểm nhấn của đề án này là 1 triệu hộ nông dân sẽ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hạt gạo Việt đã có mặt trên thế giới từ cách đây 35 năm, giờ từ những hạt gạo loại dài có mặt ở các nước châu Phi cho đến hạt gạo thơm, gạo dẻo trên các quầy, kệ siêu thị ở châu Âu, ở Mỹ, ở Nhật. Chính vì thế, việc xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh, giảm phát thải là một minh chứng, cam kết của Việt Nam về sứ mệnh đó và xa hơn còn là câu chuyện về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu.
Đề án nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích 300 nghìn ha đến năm 2025 và đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu ha. Đề án hướng đến mục tiêu thực hiện canh tác lúa bền vững, trong đó có việc giảm lượng giống, phân bón, giảm lượng nước sử dụng để đảm bảo giảm phát thải. Đề án cũng hướng đến việc tổ chức lại sản xuất, với khoảng 1 triệu ha lúa sẽ có trên 1 triệu hộ nông dân. Việc thực hiện Đề án nhằm tổ chức các hộ nông dân vào hợp tác xã để thực hiện liên kết. Đề án cũng hướng đến việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, đồng thời, hướng đến việc tăng thu nhập cho người trồng lúa thông qua việc giảm chi phí và nâng giá trị của lúa gạo; phấn đấu xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải…
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đây là Đề án rất quan trọng để góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, đây cũng là Đề án còn rất nhiều vấn đề gặp khó khăn. Tuy nhiên, ngay chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã nhận định, không có sự thay đổi nào là dễ dàng nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nữa. Đó là sản xuất lúa gạo với chi phí cao, phát thải cao và không tạo ra ngành hàng lúa gạo bền vững.
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT cho biết, mục tiêu của Đề án hướng đến hệ thống lại tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đề án giúp nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính (giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính).
PGS. TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: Giảm phát thải khí nhà kính là đòi hỏi sống còn của thời đại và cũng là chương trình hành động mang tính toàn cầu. Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới sẽ xanh hóa nền kinh tế và đưa phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050. Vì thế, đây là nhiệm vụ của tất cả các lĩnh vực.
"Chúng ta phải cùng chung tay không phải chỉ vì cam kết của Chính phủ với thế giới mà còn vì môi trường sống của mỗi chúng ta hiện tại và con cháu sau này. Có như vậy Việt Nam mới đạt được mục tiêu chung đề ra. Phải rà soát lại những hoạt động nào có thể giảm thì phải cố gắng làm, nỗ lực thực hiện thật tốt", ông Dương Văn Chín nhấn mạnh. Bản chất của việc sản xuất lúa truyền thống làm phát sinh nhiều khí nhà kính. Để giảm phát thải khí nhà kính cần sử dụng giống xác nhận, giảm giống, giảm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, kết hợp tưới nước ướt - khô luân phiên, không đốt rơm rạ. Hiện nay, thế giới đang sử dụng Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) gồm 41 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có thang điểm từ 1 - 3, đủ 90 điểm là đạt chuẩn sản xuất lúa bền vững, nhưng nếu đốt rơm rạ sẽ bị điểm liệt (không đạt chuẩn).
"Khi được cấp chứng nhận chính thức, doanh nghiệp có thể in lên bao bì sản phẩm như một minh chứng về tính vượt trội của nó. Tôi tin là với xu hướng tiêu dùng xanh hiện tại, nếu có chứng nhận SRP thì giá bán sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều", ông Chín nói. Một thông tin đáng mừng là Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ các-bon, thứ hai là hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng lúa sản xuất giảm phát thải. Dự kiến tổng nguồn vốn triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao khoảng 650 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới khoảng 400 triệu USD, tương đương hơn 61%. Đề án sẽ có 5 chương trình, nhiệm vụ cụ thể, bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030.
Điều đáng bàn là chính người nông dân tham gia đề án 1 triệu ha (dự kiến 1 triệu hộ) sẽ hưởng lợi nhuận gia tăng không phải ở sản phẩm từ cây lúa mà chính từ bán thương hiệu giảm phát thải. Đây là điều mà không chỉ Bộ NN&PTNT kỳ vọng mà nông dân cũng háo hức tham gia.
Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL là giảm 20% chi phí sản xuất, góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa). Thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống. Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu từ bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán. Ước tính 1 triệu ha lúa chất lượng cao, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng.