Trang bị kỹ năng sinh tồn cho thế hệ trẻ

Chủ Nhật, 22/08/2021, 07:34

Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra trên 3.000 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương trên 300 người, gây thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Đáng tiếc là trong nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, có không ít nạn nhân là trẻ em, học sinh, sinh viên.

 

Nhằm trang bị kỹ năng sinh tồn cho thế hệ trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này.

567.jpeg -0

Cán bộ Công an tập huấn kỹ năng PCCC&CNCH cho học sinh.

PV: Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục hiện đã và đang thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh: Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an tích cực chỉ đạo các nhà trường triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Tuy vậy, hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH tại các cơ sở giáo dục trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH khi mà các nội dung này đã được lồng ghép vào các môn học cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018.

Thực tế nội dung về PCCC& CNCH đã được lồng ghép vào các môn học cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như Đạo đức, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, xã hội, Giáo dục Quốc phòng, an ninh, Địa lý, Hóa học…

Thậm chí, trong Chương trình giáo dục mầm non cũng đã lồng ghép nội dung hướng dẫn về PCCC& CNCH cho trẻ thông qua hoạt động chăm sóc, giáo dục. Tuy nhiên có thể nhận thấy, kiến thức về PCCC&CNCH trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm cả Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đều có thời lượng rất ít và đa phần vẫn là kiến thức về pháp luật. Nếu tính toàn bộ 12 năm học, kiến thức về PCCC&CNCH được khoảng 15 tiết học.

Trong 15 tiết học này lại phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau, dẫn đến sự rời rạc kiến thức; học sinh sẽ rất khó khăn để hình thành các kỹ năng về PCCC&CNCH. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về thời lượng, nội dung, tài liệu, giảng viên, báo cáo viên phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho các cơ sở giáo dục.

Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư này sẽ giải quyết vấn đề chuẩn hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương bởi những kiến thức, kỹ năng này rất quan trọng trong cuộc sống, học tập và sinh hoạt hằng ngày tại trường học và gia đình.

Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều cơ quan, doanh nghiệp đòi hỏi cán bộ, người lao động cần thành thục các kỹ năng PCCC&CNCH để hạn chế nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra tại nơi làm việc.

PV: Việc trang bị, hình thành các kỹ năng về PCCC&CNCH, cũng có thể gọi là kỹ năng sinh tồn đối với học sinh, sinh viên sẽ được cụ thể hoá như thế nào trong Thông tư, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh: Bên cạnh các kiến thức lồng ghép trong Chương trình giáo dục chính khóa thì Thông tư này có quy định bổ sung các nội dung, kiến thức bổ trợ về PCCC&CNCH và hướng dẫn để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. Hằng năm các cơ sở giáo dục giảng dạy, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH, qua đó các em sẽ dần được hình thành các kỹ năng về PCCC&CNCH cần thiết.

Thông tư yêu cầu cụ thể các kỹ năng cần đạt được đối với các học sinh, sinh viên qua từng cấp, bậc học. Đơn cử như đối với cấp học mầm non và tiểu học, chủ yếu là trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân; Tăng dần kiến thức, kỹ năng thực hành đối với bậc THCS và THPT. Bên cạnh việc học lý thuyết, học sinh, sinh viên sẽ được thực hành, diễn tập để hình thành kỹ năng sinh tồn như kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng tham gia cứu người và giảm thiểu sự cố, thiệt hại gây ra.

Sau khi Thông tư này được ban hành, liên Bộ sẽ phối hợp tập huấn triển khai để hiểu đúng quy định của Thông tư (các quy phạm pháp luật), xây dựng một số tài liệu chuẩn với hệ thống phiếu hỏi, thực hành, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Bộ tài liệu này sẽ đưa ra các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần đạt được, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục có cơ sở đánh giá học sinh thống nhất trên toàn quốc.

Tuy vậy, chúng tôi cũng mong rằng, sau khi Thông tư được ban hành, cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục, nhất là các Sở, Phòng GD&ĐT và đặc biệt là Ban Giám hiệu, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh; việc triển khai phải đồng bộ, trong đó có vai trò rất lớn của lực lượng Công an PCCC.

Các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đảm nhiệm việc giảng dạy, hướng dẫn tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH. Cơ sở vật chất cũng phải bảo đảm, chuẩn hóa các trang thiết bị thực hành, diễn tập đưa vào sử dụng tại các trường học, đáp ứng các quy định về an toàn PCCC&CNCH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH các cấp đã phối hợp với các Sở, Phòng GD&ĐT và nhiều nhà trường tại một số địa phương tuyên truyền kiến thức pháp luật, diễn tập về PCCC&CNCH giúp học sinh có thêm những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn còn diễn ra ở một số trường với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ, thống nhất. Trong bối cảnh đó, Thông tư trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an được tham gia sâu hơn, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp ở quy mô toàn quốc.

Theo đó, bên cạnh việc phối hợp tập huấn, diễn tập về kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục khi có yêu cầu, lực lượng Cảnh sát PCCC tại các địa phương còn có thể tham gia bồi dưỡng định kỳ về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục; Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT xây dựng bộ tài liệu chuẩn về lý thuyết và thực hành PCCC&CNCH giúp các cơ sở giáo dục có cơ sở để đánh giá học sinh thống nhất trên toàn quốc.

Cung cấp phương tiện thực hành khi các nhà trường có nhu cầu về kỹ năng chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng dập lửa; Hướng dẫn sử dụng công nghệ thực thực tế áo và đào tạo đội ngũ hướng dẫn riêng về PCCC&CNCH cho các cơ sở giáo dục tại địa phương; Phối hợp với các trường đại học cung cấp chứng nhận nghiệp vụ về PCCC&CNCH cho các sinh viên khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục PCCC&CNCH.

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.