TP Hồ Chí Minh có mức sinh thấp nhất cả nước

Thứ Sáu, 10/11/2023, 14:44

Mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế đang báo động ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.

Đây là chia sẻ của TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) tại Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Hội Phụ sản Việt Nam, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức ngày 10/11.

Cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp, trong đó dưới mức sinh thay thế tập trung ở phía Nam gồm các tỉnh ĐBSCL (trừ Bình Phước) và Đông Nam Bộ. Các tỉnh ĐBSCL hiện có mức sinh 1,8 con/phụ nữ; Đông Nam Bộ mức sinh rất thấp với 1,56 con/phụ nữ.

Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021, TP Hồ Chí Minh là địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước với 1,48 con/phụ nữ.

Báo động mức sinh rất thấp ở các tỉnh phía Nam -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mức sinh thấp kéo dài sẽ làm quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Đáng chú ý, mức sinh thấp còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn ở khu vực ĐBSCL, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.

Việt Nam là một trong các quốc gia tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Những gia đình vẫn có ý định sinh con thứ hai, nếu trì hoãn quá lâu sẽ dẫn đến vô sinh thứ phát.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình dự báo bức tranh dân số Việt Nam vào năm 2069  khoảng 117 triệu người, chỉ số già hoá (chỉ số % giữa số người từ 60 tuổi trở lên so với số trẻ dưới 15 tuổi) là 154,3%, tăng gấp 3 lần so với năm 2019, nghĩa là cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người già. Vì vậy, ngay lúc này, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết chênh lệch mức sinh trước khi quá muộn.

Báo động mức sinh rất thấp ở các tỉnh phía Nam -0
Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp tăng mức sinh tại các tỉnh đang có mức sinh rất thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định ban hành kế hoạch hành động thực hiện.  

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng. Để đạt được điều này, đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để làm được điều này, các vùng có mức sinh thấp phải tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ hai con, các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với việc phát triển kinh tế xã hội, đối với gia đình và chăm sóc bố mẹ khi về già. Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt. Việc thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp cần triển khai như: Xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con (mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phía giáo dục trẻ em)…

Trần Hằng
.
.
.