TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 16/10, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025” nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của TP.
Đồng chí Phan văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo. Tham dự có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Chủ tịch UBND TP, Thường trực HĐND TP cùng các chuyên gia, lãnh đạo, đại diện Sở, Ban, ngành, đoàn thể TP.
Xây dựng các kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội có lộ trình, kịch bản
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá, TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TP cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Theo Chủ tịch UBND TP, hội thảo đặt ra 3 vấn đề. Thứ nhất, tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TP Hồ Chí Minh. Thứ 2, đưa ra những phương án giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới. Thứ 3, vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh đưa dự đoán: trong khoảng 2 tháng, TP. Hồ Chí Minh sẽ không gặp vấn đề gì lớn về dịch bệnh, bởi người dân vừa được tiêm chủng vaccine (tỉ lệ tiêm chủng mũi 1 đạt 98,4% và mũi 2 đạt 74,5%) và người dân vẫn còn có sự dè dặt khi ra đường. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong thời gian trên, nếu không được kiểm soát tốt có thể tình hình dịch bệnh quay lại, nhất là khi nếu độ miễn dịch của một số người giảm hoặc do chủ quan khi thực hiện 5K. Dịch tái lại hay không phụ thuộc vào chính ý thức từng người dân là rất lớn. Biến chủng Delta ta khó kiểm soát. Miễn dịch cộng đồng về vaccine ngừa COVID-19 là yếu tố ta phải quan tâm.
COVID-19 và vấn đề chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch là vô cùng quan trọng
ThS. Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Học Viện Cán Bộ TP. Hồ Chí Minh và PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã cung cấp những dữ liệu phản ánh đợt dịch thứ 4 COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt trong đời sống của người dân trên cả nước nhất là tại TP Hồ Chí Minh.
Tính đến ngày 10/10/2021 TP Hồ Chí Minh đã có 407.711 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, 229.262 người đã xuất viện và 15.759 ca tử vong. Đợt dịch bùng phát gây thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển KT-XH cả TP Hồ Chí Minh và cả khu vực Nam bộ cũng như cả nước.
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao. Các nhà máy, công ty hầu hết phải ngưng sản xuất kéo dài hoặc thua lỗ phá sản khiến người lao động thất nghiệp. Chỉ riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao có 244.082 người làm việc tại 827 DN bị tạm ngừng việc; có 1.412 DN đang hoạt động, sử dụng 285.933 người lao động, trong đó, có 619 DN đăng ký thực hiện phương án 3 tại chỗ với 55.175 người lao động ở lại DN; 793 DN tạm ngưng hoạt động, với 230.758 lao động. Khu công nghệ cao có 34 DN tạm ngừng việc phải cách ly y tế hoặc trong khu vực phong tỏa, với 11.241 người lao động.
Do những áp lực quá lớn về sinh kế từ các đợt phong tỏa, đã xảy ra tình trạng hồi cư ồ ạt của người lao động sau thời điểm mở cửa dẫn đến tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy, DN khi hoạt động trở lại. Hiện có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP Hồ Chí Minh đã về quê, trong đó chủ yếu là những người lao động về quê lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu...
Đặc biệt, COVID-19 khiến vấn đề sức khoẻ tâm thần của trẻ em phải chịu tác động hết sức nặng nề. Tính đến ngày 30/9/2021, thành phố có 3.771 em nhiễm COVID-19 đang phải điều trị tại bệnh viện, khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Có 1.279 trẻ mồ côi do cha hoặc mẹ tử vong vì COVID-19. Ngoài ra, số trẻ mồ côi cả cha và mẹ do tử vong vì COVID-19, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi sống với ông bà, người nuôi dưỡng nay những người này cũng tử vong vì COVID-19 có 62 em. Đặc biệt có 51 trẻ sơ sinh là con của sản phụ nhiễm COVID-19 tử vong khi sinh con.
Tình hình dịch bệnh khiến tất cả các cơ sở giáo dục của TP công và tư phải ngừng đến trường. Toàn bộ học sinh của TP dự kiến vẫn sẽ học trực tuyến cho đến hết học kỳ 1.
Trong đợt dịch ghi nhận, tỷ lệ mắc COVID-19 của người trong tuổi từ 18-65 chiếm đến 86,56%, dưới 18 tuổi chiếm 5,13% và trên 65 tuổi chiếm 8,32%, dịch COVID-19 lần này tác động chủ yếu vào sức khỏe nhóm người đang còn tuổi lao động hoặc vừa qua tuổi lao động, chứ không chỉ là người lớn tuổi, có bệnh nền. Rất nhiều các gia đình có người bị SARS-CoV-2 có thể trải qua sang chấn tâm lý do hoang mang lo sợ khi mắc bệnh hoặc đau buồn khi người thân qua đời.
Các đại biểu tại hội thảo đã đề xuất nghiên cứu thành lập “Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch” để chăm sóc sức khoẻ cho người dân; đề xuất mô hình tiếp cận chăm sóc sức khoẻ tâm thần theo 3 mức độ: các dịch vụ phòng ngừa phổ quát cho nhóm có nguy cơ thấp - các dịch vụ phòng ngừa mục tiêu cho nhóm nguy cơ trung bình - các dịch vụ chỉ định can thiệp chuyên sâu cho nhóm nguy cơ cao.