Tọa đàm “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”
Thực hiện Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị quyết số 27, sáng 21/8, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Toạ đàm “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Trung ương xác định đến năm 2030-100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045-100 năm thành lập nước và xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà cần phải có sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội với yêu cầu là năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi tổ chức, cá nhân và hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã được Nghị quyết xác định: Hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều tham luận, ý kiến cũng như các kiến nghị, giải pháp thực hiện Nghị quyết 27. PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu ý kiến, để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, chúng ta xác định ba trụ cột cốt lõi, đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN. Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Đóng góp những ý kiến mang tính nghiên cứu, học thuật về nhà nước pháp quyền, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa có các đặc trưng chứa đựng tính phổ quát của hệ thống pháp luật nói chung ở nhiều quốc gia trên thế giới và có những đặc trưng thể hiện nét đặc thù, riêng có của hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là các đặc trưng mang tính phổ quát như tính toàn diện của hệ thống pháp luật; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; tính phù hợp của hệ thống pháp luật với các điều kiện hiện hữu; tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật; tính ổn định tương đối của hệ thống pháp luật; tính dân chủ; tính khoa học.
Về đặc trưng riêng có của hệ thống pháp luật Việt Nam, theo TS Nguyễn Hồng Sơn, hệ thống pháp luật Việt Nam thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; bảo đảm phát huy và thể hiện sâu sắc nền dân chủ XHCN; là công cụ quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hoá pháp lý của đất nước ta; bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.