Tiền tỷ đổ vào dâng sao, giải hạn đầu năm

Tiền chùa, ai quản lý? (bài 2)

Thứ Bảy, 11/02/2023, 08:15

Dâng sao giải hạn, tiền công đức, giọt dầu, tiền thỉnh vong giải nghiệp, tiền lễ… mỗi năm, hàng chục triệu người dân Việt Nam đang gửi gắm niềm tin, cũng như mong muốn được hưởng lộc từ đền, chùa. Những ngôi chùa lớn, một mùa lễ hội thu tới hàng trăm tỷ đồng, chùa vừa cũng tiền nhiều chục tỷ. Từ đây, câu chuyện quản lý tiền công đức được đặt ra.

Hàng trăm tỷ được tiêu như thế nào?

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện có 18.491 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn ngôi đền nằm rải rác trên khắp cả nước. Về lễ hội, một thống kê cho biết Việt Nam có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ.

Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có 30 lễ hội diễn ra trên khắp cả nước. Những con số thống kê này cho thấy số tiền mà các con nhang đệ tử, du khách thập phương đi lễ, công đức, cúng dường cũng tỷ lệ thuận và nhiều đến nhường nào.

Ông Nguyễn Văn Hoạt – Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm 2018, tổng số tiền thu được 112 tỷ đồng với tổng số du khách khoảng 1.440.000 lượt khách. Từ năm 2019, quần thể Hương Sơn là khu di tích quốc gia đặc biệt với quy mô còn lớn hơn nhiều - đồng nghĩa với số tiền công đức thu được nhiều hơn các năm trước. Sau mấy năm dịch bệnh, “thu nhập” của chùa có vẻ cũng bị giảm sút, nhưng năm 2023, chỉ mấy ngày khai hội, đã có hàng trăm nghìn lượt người đổ về chùa Hương. Dự kiến trong 3 tháng lễ hội, số tiền thu được sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bài 2: Tiền chùa, ai quản lý? -0
Cần minh bạch các khoản tiền do người dân công đức, tài trợ tại đền, chùa. Ảnh minh họa

Tại chùa Yên Tử, theo thống kê của UBND TP Uông Bí, số tiền công đức chùa thu về trong 10 năm, từ 2007 đến 2017 khoảng 242 tỷ đồng. Còn theo thống kê năm 2019, bình quân mỗi năm, danh thắng Yên Tử đón hơn 1 triệu lượt khách, số tiền thu phí trong năm đạt hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, tại chùa Ba Vàng - nơi nổi tiếng về thủ tục thỉnh vong giải nghiệp, số tiền thu được ước tính cũng lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm…

Tương tự, với tín ngưỡng dâng sao giải hạn, chùa Phúc Khánh niêm yết giá mỗi người là 150.000 đồng. Các ngôi chùa khác ở Hà Nội có mức giá dao động 150.000 - 500.000 đồng. Với mức giá và số người đăng ký dâng sao giải hạn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến ước chừng có chùa đình đám về dâng sao giải hạn mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, thông tin người thu tiền giải hạn ở một ngôi chùa tại Hà Nội từ chối giải hạn cho một gia đình (450.000 đồng cho 3 người) chỉ vì thiếu 50.000 đồng khiến dư luận càng thêm bức xúc về tính thương mại ở nơi này.

Tiền đổ về như nước, “nhà chùa” cũng thoải mái chi tiêu. Thực tế cảnh những nhà sư mặc hàng hiệu, đi xe sang không hiếm, đi ngược với chân tu khổ hạnh của Phật pháp, khiến nhiều người nghi ngại. Năm 2019, câu chuyện nhà sư Thích Thành Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc xin giữ là toàn bộ tiền và tài sản khoảng 300 tỷ đồng sau khi hoàn tục làm dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến bất bình cho rằng tiền công đức là tiền của bá tánh, chuyển sang cho nhà chùa để phục vụ đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo cho bá tánh - có nghĩa là tiền công đức là bá tánh cung dường cho nhà chùa, chứ không phải cho một cá nhân sư sãi nào cả.

Ngân sách không quản lý tiền chùa

Câu chuyện sử dụng “tiền chùa” tạo nên những luồng dư luận không mấy tích cực. Nhiều ý kiến lên tiếng cần phải có sự kiểm soát. Trước những bất cập này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Trước khi ban hành, cơ quan này đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến người dân, với nội dung quan trọng đó là Bộ Tài chính muốn đưa khoản tiền này vào danh mục quản lý của ngân sách. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, nội dung này đã nhận phải nhiều sự không đồng thuận. Thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, Hoà thượng Thích Thanh Quyết đã có văn bản góp ý gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN và Bộ Tài chính.

Theo đó, Hoà thượng Thích Thanh Quyết cho rằng dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích. Lý giải về đề nghị này, Hoà thượng Thích Thanh Quyết dẫn quy định trong Luật ngân sách và Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, với 27 chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính không quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện. Hoà thượng cũng lý giải thêm, bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào. Ngoài ra, theo Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội. Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội.

Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04 quy định ngân sách không quản lý tiền chùa, tiền công đức tại lễ hội. Cụ thể, Thông tư quy định, đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm phân công cho một đơn vị chức năng chủ trì thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội. Đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật. Tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm công khai việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nếu tổ chức, cá nhân này có yêu cầu. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Quy định đã có, song để thực hiện quản lý thu chi thực sự minh bạch, và không tạo cơ hội cho một số cá nhân biến chất sử dụng “tiền chùa”, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự sát sao hơn trong quản lý. Chuyên gia kiểm toán Lê Đình Thăng cho rằng các khoản tiền chi tiêu này cần được kiểm toán định kỳ. Vị chuyên gia này cũng đưa ra quan điểm nếu dòng tiền đó không ai quản lý, không được chi tiêu một cách minh bạch thì rất dễ đi vào túi cá nhân, vừa lãng phí, vừa không đi đúng hướng là nguồn lực để phát triển văn hóa, tôn giáo đúng quy định.

Cũng bình luận về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng khi người dân mang tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu, tiền thỉnh vong giải oan hay dâng sao giải hạn… là ý chí của chính người dân muốn gửi gắm tới Phật, Thánh để mong cầu bình an, may mắn, lộc tài cho mình. Điều này không sai nhưng hiện nay mọi thứ có vẻ như đang trở nên thái quá. Việc họ mang tiền đến đang là hành vi hối lộ Phật, Thánh, chứ không còn thể hiện sự thành kính tôn nghiêm ban đầu. Còn với các đền chùa, nhiều doanh nghiệp liên tục xây đền chùa ngày càng to nhằm mục đích kinh doanh, lôi kéo du khách về đi lễ. Họ rầm rộ quảng bá và đưa ra nhiều thông tin mời gọi du khách chẳng khác gì việc kinh doanh các mặt hàng khác. Và khi họ kinh doanh, thì dĩ nhiên họ sẽ thu lợi nhuận. “Việc quản lý sẽ rất khó vì nếu đưa vào ngân sách thì không khả thi, do đây là tiền hoàn toàn do người dân tự đóng góp. Do quan niệm tâm linh, nếu ngân sách quản lý tiền công đức, thì người dân sẽ không tự nguyện mang tiền vào chùa nữa - đây là điều không nên. Song, tiền nhiều quá sẽ dẫn tới những cách chi tiêu không hợp lý như một số hiện tượng thời gian qua khiến dư luận không đồng tình.

Tuy nhiên có nên kiểm toán không, thì theo tôi sẽ khó khả thi, vì đầu vào không quản lý được, thì việc kiểm toán đầu ra không có ý nghĩa. Kiểm toán chủ yếu ở những hạng mục như vé vào cửa, vé đò, vé cáp treo và các dịch vụ trông xe… tức là những khoản thu có chứng từ, còn các khoản thu người dân tự nguyện công đức vào hòm, hay đặt lễ lên mâm cúng sẽ không thể kiểm soát được. Bởi vậy, theo tôi, quan trọng là phải thay đổi từ suy nghĩ của người dân, du khách thập phương - đó mới là gốc rễ”, ông Đức phân tích.

Khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, trường hợp tiếp nhận tiền mặt, phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận; các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận. Các khoản chi phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định. (Trích Thông tư 04 của Bộ Tài chính)

Hà An
.
.
.