Thực phẩm trôi nổi "bủa vây" các lễ hội đầu năm
Những ngày đầu xuân, các phủ, đền, chùa, khu di tích... thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến trẩy hội. "Ăn theo" các hoạt động này là những hàng quán thời vụ "mọc lên như nấm" với nhiều hạn chế về điều kiện vệ sinh, mất an toàn thực phẩm (ATTP), vi phạm quy định về thức ăn đường phố.
Thực phẩm "thi gan" với bụi bặm, ruồi muỗi
Phủ Tây Hồ, Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến làm lễ đầu năm. Ngay từ đêm 30 Tết, dòng người đã nô nức kéo nhau đến đây cầu may, xin tài lộc. Tại các lối đi vào Phủ luôn đông kín người, ở cửa chính lúc nào cũng chen chúc, người nọ vái sau lưng người kia, nhiều người không chen được phải vái vọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc đường đi từ khu vực bãi gửi xe đến Phủ Tây Hồ chỉ khoảng 400m nhưng có hàng trăm hàng quán kinh doanh thực phẩm mọc lên san sát hai bên đường để phục vụ du khách. Trong đó, bánh tôm và bún ốc là những món ăn không thể thiếu. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy được những bất cập về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn. Tại nhiều cửa hàng, những khay bánh tôm vàng óng, chất đầy xếp chồng lên nhau được "phơi" ngay cạnh lối đi của hàng nghìn du khách mỗi ngày mà không có bất kỳ thiết bị gì che chắn bụi bặm. Ngay bên cạnh đó là chảo dầu to cửa hàng bố trí sẵn để mỗi khi khách đến ăn là có thể chiên nóng lại món bánh tôm. Cùng với bụi bặm, do không được che chắn nên ruồi muỗi thi nhau bay đến đậu vào những khay bánh tôm với mùi thơm nức mũi.
Tại các cửa hàng kinh doanh bún ốc, các nồi nước dùng nghi ngút khói cũng để phơi ngay cạnh đường đi. Lượng khách đến ăn hầu như đông chật từ sáng đến tối. Do khách quá đông nên nhiều hàng ăn không kịp phục vụ, bát bẩn và rác vứt la liệt dưới nền nhà. Do diện tích chật chội, có cửa hàng tận dụng vỉa hè, lòng đường để rửa bát và để thức ăn thừa. Một chậu nước rửa bát đục ngầu được sử dụng cho hàng trăm cái bát. Nước thải vô tư thải ra đường.
Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào mỗi ngày đầu xuân đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Với lượng khách đông như vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay, việc sắp xếp các cơ sở kinh doanh ăn uống tại lễ hội chùa Hương đã phần nào quy củ hơn. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn nhiều tồn tại. Ngay tại khu vực đền Trình, ở bến Trò, khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù, rất nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống mọc lên bày la liệt các đồ ăn sẵn không hề che đậy, thỏa sức "thi gan" với ruồi nhặng. Rất hiếm quán có tủ kính để thức ăn như qui định, bất chấp bụi tuôn mù mịt dưới bước chân hàng vạn du khách mỗi ngày. Đặc biệt, tại bến Trò, các quán hàng hoàn toàn không có một khoảng cách nào với đường đi, nên đủ loại thực phẩm ăn sẵn như gà luộc, cá rán, bánh trôi, bánh phở, chả, tôm, chè lam, thịt sống v.v… đều bày bán ngay bên chân người đi lại rầm rập, khiến bất cứ ai cũng có thể nhìn rõ bụi bay lên "tẩm" vào đồ ăn. Thức ăn sống, thức ăn chín còn để lẫn lộn phơi ở nơi bụi bẩn; rượu bán cho khách trong bữa ăn không rõ nhãn mác…
Kiểm tra đừng để "cưỡi ngựa xem hoa"
Mùa lễ hội ở nước ta diễn ra vào mùa xuân, thời tiết ẩm ướt lại nóng lạnh thất thường, khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Nhằm bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, những đoàn thanh tra, kiểm tra tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội đến hết ngày 15/3. Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.
Hà Nội quyết định tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đến hết ngày 15/3. Tuy nhiên, những gì mà phóng viên ghi nhận tại các lễ hội lớn của Hà Nội, dường như vẫn vắng bóng đoàn kiểm tra. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, để bảo đảm ATTP cho lễ hội chùa Hương, công tác tuyên truyền, ký cam kết với 318 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tập huấn, khám sức khoẻ cho người tham gia chế biến thực phẩm đã được thực hiện trước đó. Nếu để xảy ra vi phạm ATTP, chủ cơ sở sẽ bị xử phạt. Trong thời gian diễn ra lễ hội, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm huyện Mỹ Đức sẽ tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử phạt nếu phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, khi có mặt ở đây vào mùng 4 Tết, chúng tôi thấy nhiều vi phạm về những quy định của thức ăn đường phố vẫn tồn tại. "Năm nào tôi đến chùa Hương cũng thấy cảnh hàng ăn la liệt không che đậy ngay ở đường đi. Hiện tượng vi phạm này tái diễn nhiều năm rồi nhưng không thấy thay đổi", chị Nguyễn Hoàng Lan, một du khách ở Hà Nội cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, trong đó 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Nguy hiểm hơn, vào ngày mùng 2 Tết, sau bữa tiệc rượu, một gia đình gồm 4 người ở Bạc Liêu đã phải nhập viện, trong đó có 2 người tử vong, nghi ngộ độc rượu.
Công tác đảm bảo ATTP cho các lễ hội đầu xuân đều được lên kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán, song việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thì vẫn còn khoảng trống. Thiết nghĩ, những vi phạm về ATTP cần sớm được chấn chỉnh, đừng kiểm tra theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" để tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra.