Thừa Thiên Huế: Tái định cư cho hàng trăm hộ dân tại nhiều dự án giao thông trọng điểm

Thứ Ba, 15/10/2024, 08:40

Chính quyền TP Huế (Thừa Thiên Huế) đang khẩn trương hoàn thành những hạng mục cuối cùng khu tái định cư (TĐC) và dự kiến trong tháng 10 này sẽ có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh (gồm dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án  đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương) sẽ đến nơi ở mới xây nhà để sớm an cư và kịp đón năm mới 2025.

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm 3 đoạn tuyến và cầu qua cửa biển Thuận An với tổng chiều dài khoảng 21,8km. Dự án có tổng mức đầu tư hoàn thiện lên đến 3.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong giai đoạn 1, dự án tập trung xây dựng đoạn tuyến số 1 dài gần 8km, trong đó bao gồm cầu Thuận An dài 2,36km, được coi là cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung. Công trình này khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cảnh quan cho khu vực cửa biển Thuận An nói riêng và tuyến đường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung; tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ của địa phương; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Dự án cũng sẽ là điểm kết nối tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế dài hơn 127km, nằm trong quy hoạch tổng thể đường ven biển quốc gia.

Quá trình triển khai dự án, có gần 150 hộ dân (gồm hộ chính và hộ phụ) bị ảnh hưởng nằm trong diện được bố trí tái định cư (TĐC). Tất cả số hộ dân này sẽ được bố trí TĐC tại Khu định cư B5 nằm gần trụ sở UBND phường Thuận An, một vị trí trung tâm, thuận lợi. 

Thừa Thiên Huế: Tái định cư cho hàng trăm hộ dân tại nhiều dự án giao thông trọng điểm -0
Khu tái định cư B5 bố trí cho gần 150 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Khu TĐC B5 thuộc Khu đô thị mới Thuận An có quy mô rộng 4,62ha, bố trí khoảng 145 lô đất, chi phí xây lắp 87 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng 12,5 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào cuối năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2024. Hiện, khu tái định cư đã hoàn thiện hơn 98%. Ông Trần Văn Doãn ở Tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An bị ảnh hưởng bởi thi công đường bộ ven biển được bồi thường, bố trí diện tích 153.9m2 tại Khu TĐC B5 cho biết, hàng chục năm nay, hộ ông cũng như nhiều hộ dân bị ảnh hưởng dự án cứ vào mùa mưa bão luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì nhà gần cửa biển. “Nay người dân chúng tôi được bố trí đến Khu TĐC B5 ở nơi cao ráo, kiên cố và nằm ngay trung tâm của phường nên ai cũng rất an tâm, phấn khởi”, ông Doãn nói.

Ông Phan Văn Hoàng Tiến, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Huế - chủ đầu tư cho biết, dù Khu TĐC B5 chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là hoàn thiện nhưng hiện vẫn còn vướng trường hợp hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công đường đi. Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP Huế - đơn vị giải phóng mặt bằng cho biết, dự án Khu TĐC B5 có diện tích thu hồi 4,62ha (trong đó chủ yếu đất nuôi trồng thủy sản hơn 3ha và đất mặt nước chuyên dùng hơn 1ha, còn lại đất ở đô thị, giao thông, nghĩa địa). Để xây dựng công trình khu TĐC này, có 50 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó, 28 hộ có đất ở và tài sản trên đất, 22 hộ có đất nông nghiệp; 9 hộ phải bố trí TĐC, gồm 4 hộ chính và 5 hộ phụ. 

Vừa qua, TTPTQĐ TP Huế đã có thông báo về việc bàn giao mặt bằng, nhiều chính sách hỗ trợ di chuyển; ưu tiên vị trí thuận lợi về TĐC cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng và giá đất TĐC. Hiện nay, việc bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án TĐC B5 đã được triển khai. Bên cạnh các hộ đồng ý nhận đất bố trí tái định cư và đã có hộ đã khởi công xây nhà được 3 tuần nay thì hiện vẫn còn hộ ông bà T.D - T.T.M và 4 hộ phụ chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Mới đây, chính quyền phường Thuận An và các cơ quan liên quan đã nhiều lần trao đổi, giải thích về các chính sách và quy định của pháp luật đối với các hộ gia đình, cá nhân để nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận với các hộ dân. Nhằm đảm bảo tiến độ TĐC cho gần 150 hộ dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng sẽ tham mưu lên UBND TP Huế để ban hành quyết định cưỡng chế đối với các hộ không chịu bàn giao mặt bằng.

Cùng với dự án giao thông tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An thì một dự án giao thông khác là công trình đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cũng đang được gấp rút triển khai thi công. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Theo chủ đầu tư dự án, thì phần cầu đáp ứng tiến độ thi công nhưng phần đường hai đầu cầu thì bị chậm do quá trình giải phóng, một số hộ dân chưa chịu bàn giao vì cho rằng chưa đáp ứng yêu cầu đền bù TĐC. 

Số hộ dân được bố trí TĐC do ảnh hưởng thi công dự án này là 156 lô gồm hộ chính và hộ phụ. Đa số số các hộ dân chỉ bị thu hồi một phần diện tích đất và ảnh hưởng một phần nhà ở, công trình kiến trúc. Ông Nguyễn Văn Quý, có nhà nằm trên đường Nguyễn Hoàng phải di dời do ảnh hưởng bởi dự án chia sẻ: “Cầu vượt sông Hương là dự án lớn, điểm nhấn cho bộ mặt đô thị TP Huế. Người dân chúng tôi rất quan tâm và mong dự án sớm hoàn thành đúng tiến độ để Huế ngày càng đẹp lên. Đó là lý do khi chính quyền yêu cầu bàn giao mặt bằng để sớm triển khai thi công cầu, chúng tôi đồng thuận ngay. Và khu TĐC Nhà nước bố trí cho người dân rất thuận lợi, khang trang và quan trọng nhất là an ninh được đảm bảo, người dân yên tâm”.

Đến nay, UBND TP Huế đã phê duyệt bố trí 123 lô TĐC, còn 33 lô ở các khu TĐC: Lịch Đợi, Bàu Vá 2, Bàu Vá 4 chưa được phê duyệt do các hộ dân chưa đồng ý. Nếu sau khi đối thoại, vận động không thành thì chính quyền TP Huế sẽ phải ban hành quyết định cưỡng chế. “Buộc phải thi hành cưỡng chế người dân trong công tác giải phóng mặt bằng là điều bất đắc dĩ, không ai mong muốn. Tuy nhiên, bất cứ là ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Ai cố tình gây khó khăn, vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật thông tin.

Tại các đợt kiểm tra tiến độ các dự án nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh chia sẻ, để công trình thực hiện đúng tiến độ, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Để người dân hiểu, đồng thuận và phối hợp thì chính quyền địa phương và ngành chức năng nên tổ chức đối thoại với người dân, phải giải quyết, hỗ trợ ổn thoả cho người dân, đảm bảo tiến độ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi quá trình thực hiện dự án và Đồng thời, hoàn thành các quy trình, thủ tục theo quy định để tổ chức thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, không chịu bàn giao mặt bằng.

Hải Lan
.
.
.