Thừa Thiên Huế phát triển du lịch xanh, bền vững và thân thiện môi trường

Thứ Bảy, 24/08/2024, 08:21

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô. Và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ngoài những điểm du lịch hấp dẫn như bãi biển Lăng Cô, Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cùng với các điểm di tích nổi tiếng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 15 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và nhiều điểm du lịch sinh thái, cộng đồng. Với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú nên những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hướng phát triển ngành du lịch địa phương theo hướng du lịch xanh, bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản đúng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng TP Huế trở thành địa điểm tham quan du lịch xanh, thông minh nên thời gian gần đây, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng nhiều tuyến du lịch xanh thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Một trong số đó là tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, TP Huế) vừa được đưa vào khai thác.

Thừa Thiên Huế phát triển du lịch xanh, bền vững và thân thiện môi trường -0
Du khách trải nghiệm tuyến du lịch xanh tại di tích lăng vua Gia Long.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, khu vực lăng vua Gia Long có không khí trong lành, có nhiều cây xanh nên thích hợp xây dựng trở thành điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Để phục vụ du khách đến di tích này tham quan, trung tâm đã bố trí hàng chục phương tiện như xe đạp, xe đạp điện, ôtô điện thân thiện với môi trường.

“Tôi và các thành viên trong đoàn khi đến tham quan lăng vua Gia Long cảm thấy thích thú với không gian xanh tại di tích. Chúng tôi đã trải nghiệm đạp xe trên những tuyến đường nhỏ uốn lượn quanh khuôn viên di tích. Tại di tích còn được bố trí trạm tiếp nước sạch, du khách đến đây tham quan không phải mang theo nước uống, giúp giảm thiểu số vỏ chai nhựa để bảo vệ môi trường”, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ khi trải nghiệm tuyến du lịch xanh tại di tích lăng vua Gia Long.

Tại nhiều điểm di tích khác, Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng bố trí nhiều xe đạp, lắp đặt trạm tiếp nước sạch để phục vụ du khách đến tham quan. Ngoài các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Nhiều nhà vườn truyền thống xứ Huế tại phường Kim Long (TP Huế); làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) hay những bản làng nằm bên tuyến đường Hồ Chí Minh, huyện miền núi A Lưới cũng thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm không gian xanh trong mùa hè này.

Để hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng ngành du lịch địa phương. Trong đó có dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tài trợ thông qua WWF Việt Nam được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ cuối năm 2021. Với dự án này, TP Huế được hỗ trợ để bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương. Thông qua dự án này, ngành du lịch Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các quy tắc giảm nhựa ở điểm di tích, điểm đến du lịch, xây dựng TP Huế trở thành điểm đến du lịch di sản xanh, thân thiện môi trường.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch thường phát sinh lượng lớn rác thải nhựa, nếu không có những biện pháp giảm thiểu kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Do đó Hiệp hội đã phối hợp với WWF và ngành du lịch vận động tất cả các khách sạn đóng trên địa bàn tham gia phong trào giảm rác thải nhựa. Việc kiểm soát rác thải nhựa tốt hơn sẽ giúp du khách đến Huế cảm thấy thân thiện và an tâm hơn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, du lịch xanh hiện đang trở thành một xu thế tất yếu và ngành du lịch Cố đô đang phát triển theo hướng xanh, bền vững dựa trên những giá trị văn hóa, di sản. Vừa qua, ngành du lịch 3 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã cùng phối hợp khảo sát để liên kết phát triển du lịch xanh 3 địa phương trong vùng. Việc liên kết giữa các địa phương là hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thời gian tới, ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số tuyến, tour gắn với du lịch xanh, nhất là tại các điểm di tích thuộc hệ thống di sản Huế. Đồng thời mở các khóa tập huấn, vận động các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thực hiện Bộ quy tắc giảm nhựa và ứng xử xanh đối với di tích. Những giải pháp này giúp TP Huế xứng đáng với giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024 vừa được công bố vào tháng 1/2024 tại Lào”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.

Anh Khoa

.
.
.