Thừa Thiên Huế nỗ lực phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia

Chủ Nhật, 27/10/2024, 19:38

Thừa Thiên Huế hiện có 8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (BVQG). Nhằm phát huy giá trị các BVQG trên địa bàn, có đến 32 hiện vật đang được trưng bày phục vụ du khách tham quan, chiêm ngưỡng…

Du khách thích thú khi chiêm ngưỡng bảo vật

8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) của tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận BVQG là những hiện vật đặc biệt quý hiếm, là kết tinh câu chuyện lịch sử đất nước, gồm: bộ Cửu vị thần công đặt tại cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhân; bộ Cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu (Đại Nội); bộ sưu tập vạc đồng; Ngai vua Triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa; Áo Tế Giao, lưu giữ tại Kho cổ vật của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế; Bia Khiêm Cung Ký (lăng vua Tự Đức); Đại Hồng Chung và Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” (chùa Thiên Mụ). Trong số 33 hiện vật đơn lẻ nói trên, chỉ có Áo Tế Giao bảo quản tại kho cổ vật, 32 hiện vật còn lại đều được trưng bày phục vụ du khách.

bao-vat1.jpg -0
 Bảo vật quốc gia “Cửu đỉnh” ở sân Thế Miếu bên trong Hoàng thành Huế.

Chị Lý Thị Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi và nhóm bạn vừa đến Huế, khi vào tham quan di tích Huế, chúng tôi rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về từng BVQG. Chỉ cần sử dụng điện thoại kết nối mạng quét mã QR được là tôi có thể biết về thông tin chi tiết, giá trị lịch sử của từng bảo vật. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Cố đô Huế đã tiến hành số hoá cho hơn 200 hiện vật, bao gồm 33 hiện vật được công nhận là BVQG.  Trên không gian số, những hiện vật, BVQG được thể hiện lại bằng những hình thức hiện đại, sống động và hấp dẫn hơn. Những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật vô giá của BVQG được bắc những nhịp cầu nối đầy sáng tạo đến với đông đảo công chúng, du khách, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ thêm hiểu, thêm yêu những di sản được bao đời gìn giữ, trao truyền.

Thừa Thiên Huế nỗ lực phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia -0

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế, tại các điểm trưng bày BVQG, Trung tâm đã đặt biển giới thiệu tại chỗ, gắn mã QR code để du khách có thể truy cập thông tin, tìm hiểu sâu hơn về hiện vật. Đồng thời, toàn bộ các BVQG đều đã được số hóa 3D, tăng cường ứng dụng công nghệ để phục vụ việc quản lý, trưng bày hiện vật và phát huy giá trị. “Chúng tôi cũng thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và BVQG, đẩy mạnh quảng bá sâu rộng về các BVQG trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước. Phối hợp với các đơn vị truyền thông làm phim truyền hình về các bảo vật, quảng bá, giới thiệu trên kênh truyền thông quốc tế. Bên cạnh đó, đưa thông tin về BVQG vào chương trình Giáo dục Di sản nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử, giá trị của bảo vật, để các em có ý thức gìn giữ, chung tay vào công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di sản, bảo vật”, ông Hoàng Việt Trung chia sẻ.

Đề nghị công nhận BVQG đối với 4 hiện vật

Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận BVQG Thừa Thiên Huế vừa đề nghị công nhận BVQG năm 2024 với 4 bộ hiện vật (5 sản phẩm) gồm: Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và Tượng rồng thời Thiệu Trị (2 hiện vật). TTBTDT Cố đô Huế cho biết, đối với “Chuông Ngọ Môn”, dưới thời Nguyễn, chuông đồng được đúc để sử dụng gắn liền với tất cả các nghi lễ cung đình.

Chuông Ngọ Môn là chiếc chuông duy nhất được đúc để đặt tại không gian là cổng chính, cổng ở phía Nam, cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng Thành Huế; sử dụng vào các hoạt động mang tính chất hành chính; được coi là biểu tượng của vương triều phong kiến. Đây cũng là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng (1820-1841) nói riêng và triều Nguyễn (1802-1945) nói chung.

Thừa Thiên Huế nỗ lực phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia -0
Các khẩu thần công trong bộ Cửu vị thần công được công nhận bảo vật quốc gia đã tồn tại hơn 220 năm.

Đối với hiện vật “Ngai hoàng đế Duy Tân”- đây là vị hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn (1802 - 1945) khi ông mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà Vua. So sánh về kích thước với “Ngai hoàng đế triều Nguyễn tại điện Thái Hoà” (hiện vật được công nhận BVQG vào năm 2015) thì Ngai hoàng đế Duy Tân nhỏ hơn.

Với bối cảnh lịch sử cũng như nguồn gốc xuất xứ và đặc điểm mô tả như bên trên thì Ngai hoàng đế Duy Tân đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là hiện vật gốc độc bản. Hoa văn trang trí trên ngai mà áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng, phần nào thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời.

Trong 4 hiện vật được đề nghị công nhận BVQG lần này, hiện vật “Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng” là một kiệt tác tiêu biểu, độc đáo, thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ chạm khắc đá mà còn thể hiện trình độ, kỹ thuật điêu khắc gỗ của các nghệ nhân dưới thời Nguyễn. Hiện bật phù điêu bằng đá thời Minh Mạng được chế tác bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng thể hiện thông qua bài thơ “Ngự chế” và bài “Minh” được khắc trên 2 mặt của phù điêu.

Cho đến nay, theo nghiên cứu thì chưa có cá nhân, tổ chức, đơn vị nào công bố thông tin về một hiện vật có đặc điểm mô tả, các thông số, hiện trạng như hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ. Bên cạnh đó, hiện vật “Tượng rồng thời Thiệu Trị” là bộ hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hoá. Tượng rồng là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “Kim ấn bảo tỉ” được đúc dưới các triều từ Minh Mạng đến Thiệu Trị với kiểu thức hình con rồng quấn.

Tượng rồng nguyên được đặt trước hiên điện Càn Thành, là không gian sinh hoạt và làm việc hàng ngày của nhà vua. TTBTDT Cố đô Huế cho hay, các hiện vật nói trên đều hội tụ những giá trị đặc sắc như: tính độc bản, các bộ phận cấu thành hiện vật còn nguyên vẹn, họa tiết hoa văn đầy đủ, sắc nét; hiện vật có hình thức thể hiện độc đáo và có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu.

Hải Lan
.
.
.