Thu phí vào nội đô Hà Nội: Dư luận "dậy sóng"

Thứ Năm, 20/10/2022, 06:30

Không phải lần đầu tiên nhắc đến vấn đề thu phí xe cơ giới vào nội đô. Song mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", một lần nữa lại khiến dư luận “dậy sóng”.

Nhiều người dân không đồng tình

Một vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là khi tiến hành thu phí nội đô, liệu hệ thống vận tải công cộng của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hay chưa? Theo Tramoc, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô tính đến thời điểm này mới đáp ứng gần 17,5% nhu cầu đi lại.

Đơn vị này cũng đưa ra kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở GTVT Hà Nội và Tramoc cùng một số kênh cộng đồng (otofun...) cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng cho thấy: Tính đến ngày 10/10/2022, đã thu được 1.028 phiếu khảo sát.

Thu phí vào nội đô Hà Nội: Dư luận
Nhiều người dân chưa đồng tình với phương án thu phí xe cơ giới vào nội đô của Hà Nội.

Trong số này, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô, 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí. Theo Đề án đơn vị tư vấn trình lần đầu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).

Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát ở trên là vậy, nhưng thực tế cũng có không ít ý kiến của người dân chưa đồng tình. Anh Thái Sơn (Thanh Trì-Hà Nội) bày tỏ, việc chung tay góp phần giảm ùn tắc giao thông của Thủ đô thì người dân đa số ủng hộ. Thế nhưng, các giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra cũng nên hợp tình, hợp lý. Bản thân anh có xe ôtô nhưng cũng không muốn sử dụng nhiều vì vừa tắc đường, vừa tốn kém đủ loại chi phí. Nhưng hệ thống giao thông công cộng hiện nay của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Việc kết nối còn khó khăn, bất tiện, đông đúc...

“Do đó tôi mong rằng thay vì thu phí thì thành phố cần tập trung phát triển giao thông công cộng cho tốt. Khi giao thông công cộng tốt, tiện lợi thì chẳng ai muốn đi xe cá nhân làm gì”, anh Thái Sơn nhấn mạnh. Tương tự, anh Tuấn Anh (Hai Bà Trưng- Hà Nội) có phần bức xúc: “Nhà tôi trong nội đô, nhưng công việc ở ngay ngoại thành. Chỉ tính đơn thuần 20.000-30.000đ/lượt xe, thế là mỗi ngày có khi tôi mất cả trăm nghìn tiền phí ra vào nội đô. Cứ phí chồng phí, trong khi các giải pháp khác thì chưa thấy đâu, người dân làm sao chịu được”.

Chuyên gia cho rằng nên xem xét kỹ

Là một trong những người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, để triển khai thu phí sẽ không đơn giản và phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó...

Trong đó, tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó. Nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế. Chẳng hạn với hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Song thực tế hiện nay, giao thông công cộng của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh năng lực còn hạn chế. Tương tự, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá: Đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ôtô vào nội đô.

Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề phải xem xét, trong đó có việc tổ chức giao thông, luồng tuyến, đặc biệt là vị trí đặt điểm/trạm thích hợp mới đảm bảo hiệu quả. "Hà Nội nên chọn lập trạm thu phí ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông phù hợp. Với đề xuất vừa rồi, tôi thấy chưa thể "lọc" sạch được ôtô vào nội đô.

Trong nội đô hiện nay có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực vẫn bình thường. Do vậy, theo tôi trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận lõi trước gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Chọn vùng để làm thí điểm đã, sau đó chúng ta sẽ xem xét triển khai tiếp", Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Cùng với đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng bày tỏ lo ngại, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là việc các nước triển khai từ lâu, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng khó thực hiện nhất là do mạng lưới giao thông của mình hiện nay là sự kết hợp của nhiều mạng lưới giao thông, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm.

Trong khi đó, mạng lưới giao thông công cộng vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều tuyến đường sắt đô thị chậm triển khai. Khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người dẫn sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí.

Ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó. Khi đó, người ta sẽ có hiện tượng "lách" nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này. Hay nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài.

Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành. TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, một thực tế nữa cũng phải nhìn nhận là ùn tắc bây giờ không chỉ diễn ra ở trong mà còn ở ngoài trung tâm thành phố. Vậy thu phí vào nội đô cũng cần tính toán đến vấn đề này.

Đặng Nhật
.
.
.