Thoát hiểm ở quán bar, karaoke thế nào khi xảy ra sự cố cháy, nổ?
Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an hướng dẫn người dân cần biết tự bảo vệ mình khi tới vui chơi tại quán bar, karaoke bằng cách tìm hiểu kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn.
Sau 4 ngày (tối 6/9) xảy ra vụ cháy lớn làm 32 người tử vong tại quán karaoke An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương gây bàng hoàng dư luận, một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ cháy, nổ tại quán karaoke.
Trước đó, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình là vụ cháy quán karaoke trên phố Giảng Võ, Hà Nội khiến 5 người thiệt mạng vào năm 2014; cháy quán bar tại Zone 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội năm 2013, làm 6 người tử vong và vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông năm 2016 làm 13 người tử vong...
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho hay, các quán bar, karaoke thường đông người, làm tường, trần cách âm để tránh tiếng ồn và có nhiều đồ vật dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi,… Do đó khi cháy có tốc độ lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc.
Ngoài ra, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói. Đáng chú ý, việc sử dụng nhiều loại thiết bị điện với công suất lớn như điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng… dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch gây cháy.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, người dân cần biết tự bảo vệ mình khi tới vui chơi tại quán karaoke bằng cách tìm hiểu kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn. Trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy.
Điều đầu tiên khi người dân đến vui chơi tại các quán bar, karaoke cần quan sát kỹ lối thoát nạn như cầu thang bộ, hay các lối thoát hiểm khác (tuyệt đối không được sử dụng thang máy khi xảy ra cháy, nổ); chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này.
Khi có cháy cần bình tĩnh hô hoán báo động cho mọi người ra cửa chính. Nếu cửa chính có lửa khói hãy tìm lối thoát khác như: Ban công, cửa sổ, sân thượng để sang nhà bên hoặc xuống đất bằng thang.
Đặc biệt, theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, người dân không được núp trong phòng, nhà vệ sinh. Đây chính là nơi mà nếu bị bao trùm bởi khói lửa, nạn nhân chạy vào đó, nguy cơ tử vong rất cao. Do phòng vệ sinh nhỏ và không đủ không khí để duy trì sự sống nếu đám cháy xảy ra trong thời gian dài. Người dân chỉ nên chạy vào nhà vệ sinh để nhúng khăn ướt, làm ướt chăn, quần áo để tìm phương án thoát ra ngoài, không nên cố thủ trong đó.
Khi cháy, cách thông minh nhất là tìm hướng để sang một nhà khác, một khu vực khác đang không bị cháy, như thế mới ra khỏi vùng không an toàn. Để có thể thoát khỏi đám cháy, nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Khi quần áo đang cháy không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Đặc biệt, không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.
Ngoài ra, nếu thấy có khói, mùi khét, không khí nóng lên…, không thể kiểm soát ngọn lửa, hãy nhanh chóng tìm một cái chăn, mền dày đã nhúng nước, chất liệu càng khó bắt lửa càng tốt, trùm lên người và chạy ra khỏi nhà. Tìm nhanh một đôi dép, không được đi chân đất vì có thể bỏng chân khiến gặp khó khăn trong việc di chuyển khỏi đám cháy. Bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn men theo tường nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi ra lối thoát nạn.
Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn đã thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Mỗi người dân cần có kiến thức PCCC và kỹ năng thoát nạn để cứu chính mình và mọi người.