Thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân

Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:35

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân nào được hoàn thành bàn giao. Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Theo con số của Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp mới chỉ hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ. Có 100 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô khoảng 134 nghìn căn hộ.

Thực tế, cả với những dự án đang triển khai có hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp tiến độ thì cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng chục triệu công nhân lao động hiện nay.

nha o.jpg -0
Nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ

Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), thực tế cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án).

Với diện tích kể trên thì cả nước mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đủ bố trí cho hơn 330 nghìn người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.

Tổng LĐLĐVN cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Tổng LĐLĐVN đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu trầm trọng so với nhu cầu nhà ở cho người lao động.

“Hầu hết công nhân, người lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết.

Thực tế này cũng được Bộ Xây dựng thừa nhận, tuy vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở cho công hiện còn nhiều vấn đề cần phải nhanh chóng được tháo gỡ như: vướng mắc về chính sách, quỹ đất, nguồn vốn, trách nhiệm của các địa phương…

Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội (trong Luật Nhà ở năm 2014), nhưng vẫn cần thiết phải có chính sách riêng để phát triển loại hình nhà ở này. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, do chưa có sự thống nhất giữa các quy định pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong: Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Từ đó, dẫn đến việc quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân hiện nay vẫn thiếu. Nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.

Không những vậy, hiện vẫn còn tình trạng, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các địa phương này khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân.

Cần sớm có các giải pháp tổng thể

Theo Bộ Xây dựng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp. Do đó, Chính phủ đã phải có nhiều chỉ đạo để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Đồng thời, tháng 8 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển nhà ở cho công nhân.

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho tại các khu công nghiệp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về lâu dài Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.

Phan Hoạt
.
.
.