Thêm nhiều loài động vật đặc hữu được phát hiện tại Việt Nam

Thứ Bảy, 29/01/2022, 06:49

Theo công bố trong báo cáo vào ngày 26/1 của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), năm 2021 có thêm 91 loài mới, trong đó có 85 loài động vật đặc hữu được phát hiện tại Việt Nam. Một loài ếch đầu to, một loài thực vật họ dâu sinh sống tại các dãy núi phía Nam và miền Trung là hai trong số 91 loài mới được phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình bảo tồn động vật hoang dã của WWF tại Việt Nam cho biết, với 91 loài mới được phát hiện, trong đó 85 loài đặc hữu, Việt Nam chắc chắn là một trong những nơi đầy tiềm năng cho việc nghiên cứu và khám phá các loài mới.

0714_l.-neangi-1-.jpg -0
Loài ếch đầu to là một trong số 91 loài mới được phát hiện tại Việt Nam.

Các loài này là những tuyệt tác của hàng triệu năm tiến hoá, nhưng hiện đang phải chịu rất nhiều mối đe doạ. Nhiều loài có thể đã tuyệt chủng trước khi được biết tới.

Báo cáo của WWF cũng đã thống kê có tất cả 133 loài mới tại 4 quốc gia khác của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Rất nhiều loài trong số này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất sinh cảnh, mất rừng và bị săn bắt, buôn bán bất hợp pháp nên WWF kêu gọi Chính phủ các nước trong khu vực tăng cường bảo vệ hơn nữa các loài hoang dã quý hiếm này.

Với việc tập hợp hàng trăm công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn, các viện nghiên cứu trên thế giới, chỉ trong năm 2020 đã có 155 loài thực vật, 16 loài cá, 17 loài lưỡng cư, 35 loài bò sát và một loài động vật có vú được phát hiện tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng, nâng tổng số loài được phát hiện trong khu vực lên tới 3.007 loài kể từ cách đây 25 năm.

Tiến sỹ Thomas Ziegler, Trưởng khoa bò sát, thủy ngư và động vật không xương sống của Vườn thú Cologne nhấn mạnh về những mối đe doạ nghiêm trọng mà các loài này đang phải đối mặt và cho rằng cần phải ghi lại kho tàng đa dạng sinh học này trước khi nó biến mất hoàn toàn bằng cách đẩy nhanh việc khám phá và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ông cũng cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rõ con người không thể can thiệp vào tự nhiên, mạng lưới thức ăn và đa dạng sinh học của nó. Chúng ta phải học cách chung sống với tất cả các loài vật khác trên hành tinh, thay vì chỉ khai thác và tiêu diệt chúng. Trong báo cáo của mình, WWF cũng nhấn mạnh các loài linh trưởng trong khu vực đang bị suy giảm nghiêm trọng những thập kỷ gần đây.

Sinh cảnh của chúng bị mất và suy thoái do các hoạt động con người như khai thác gỗ bất hợp pháp, chuyển đổi sử dụng đất và chăn thả gia súc. Săn bắt và đặt bẫy cũng gây áp lực lớn lên các quần thể linh trưởng, khiến nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đ.Thắng
.
.
.