Giải quyết tình trạng bạo lực học đường:

Thầy cô trong trường là tư vấn viên cho học sinh

Thứ Sáu, 28/04/2023, 06:10

Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, làm cho các bậc phụ huynh lo lắng. Nếu xem những clip đăng trên mạng, chắc rằng bất cứ ai cũng sẽ bị "nhói tim" và bức xúc với tính côn đồ, coi thường sức khỏe, tính mạng, tinh thần của một số học sinh với chính bạn học của mình. Giáo viên ở đâu, các bạn học cùng ở đâu, việc giáo dục đạo đức "tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường như thế nào mà để xảy ra liên tục những vụ bạo hành như thế?

Thực tế học sinh đang phải đối mặt với nhiều áp lực ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, sức khỏe gây ra bi quan, chán nản, mệt mỏi, không tìm thấy niềm vui trong học tập, trầm cảm, cảm thấy mất động lực…

tu van.jpg -0
Cán bộ Công an quận 3 (TP Hồ Chí Minh) tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng.

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương cho biết, thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Qua đây, nhận thức pháp luật của học sinh được nâng lên. Tuy nhiên, trong vấn đề này, nhà trường có vai trò rất quan trọng. Hầu hết thời gian trong ngày các em ở trường. Do đó giáo viên có thể quan tâm nắm bắt kịp thời các biểu hiện tâm lý của học sinh, chứ không đơn thuần chỉ giảng dạy truyền đạt kiến thức. Nhà trường phải có cách xây dựng kênh thông tin từ nguồn của học sinh để phòng ngừa tình trạng đánh nhau.

Hiện nay, các trường phổ thông đều có "phòng tham vấn học đường", ngoài tư vấn tâm lý còn có chức năng định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ phương pháp học tập cho học sinh. Tuy nhiên, ít học sinh đến phòng này vì ngại và cho rằng khi nào khó khăn về tâm lý mới đến để được tư vấn. Một số em bị bạn đánh nhưng ráng chịu đựng, ngại chia sẻ với giáo viên, với cha mẹ vì sợ bị la hoặc sợ người thân đến trường làm to chuyện thì mất mặt… Lo sợ đủ thứ, có em đã nghĩ quẩn…. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng nên nhìn nhận lại chức năng thật sự của phòng tư vấn. Nhân sự phụ trách phòng tư vấn này hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, hầu như không có cán bộ chuyên phụ trách. Các trường thường sắp xếp các giáo viên lớn tuổi đảm trách. Trong khi một số thầy cô lớn tuổi thường có thói quen dùng bản ngã của mình để áp đặt tư vấn cho học sinh. Do vậy, các em không dám đến gặp và ít muốn chia sẻ. Cần phải bố trí nhân sự làm sao để học sinh có thể tin tưởng mà tìm đến tâm sự, chia sẻ và an tâm khi nhờ giải quyết những mâu thuẫn từ gia đình, bạn bè...

"Kinh nghiệm cho thấy, chính khi không có phòng tư vấn thì công việc tư vấn sẽ dễ hơn và cuốn hút các em thông qua tư vấn bằng smart phone. Nên nhớ tất cả thầy cô trong trường đều là tư vấn viên để dễ dàng cho các em khi cần và bất cứ mọi nơi, mọi lúc từ trên không gian mạng và trực tiếp. Công việc tư vấn không có thời khóa biểu, phải là 24/7 trên tinh thần "cần là có", "các em gặp khó có thầy". Tất cả những tâm tư, chia sẻ, báo cáo,... của các em phải được bảo mật và giải quyết dứt điểm, tạo sự bình an cho các em", thầy Phú chia sẻ.

Tất cả thầy cô trong trường đều có thể là tư vấn viên cho học sinh. Nếu giáo viên thật sự yêu nghề, yêu học sinh như con và vì thế hệ tương lai của đất nước thì sẽ làm được.

Nguyễn Cảnh
.
.
.