Thắt chặt đoàn kết trong vùng dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 24/06/2023, 09:02

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, thuộc vùng Tây Nguyên với khoảng 60% dân số theo các tôn giáo khác nhau. Giữ vững an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo là vấn đề xuyên suốt, đảm bảo sự ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Các dân tộc chung sống thuận hòa

Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, nhất là nơi tập trung bà con dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Lâm Đồng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống đồng bào được cải thiện rõ nét, trình độ, nhận thức của các DTTS ngày càng được nâng cao.

Trong mắt già làng Ka Să Ha Tang (SN 1949, thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết các dân tộc sau gần 80 năm vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Già làng cho biết, từ năm 1946, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (Gia Lai), Bác Hồ đã đặc biệt nhấn mạnh tới khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. “Bác nói rồi, đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”, già làng Ka Să Ha Tang nói.

Theo già làng, những năm qua, ngoài đồng bào Kho, rất nhiều hộ là dân tộc Kinh, Mường, Êđê… từ các địa phương khác đã tới địa phương làm ăn, sinh sống. “Đất lành chim đậu”, không ít trường hợp đã lập gia đình, tạo dựng được cơ nghiệp ổn định, kinh tế khấm khá. Thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu, không ai có tâm lý phân biệt đối xử giữa các dân tộc.

Thắt chặt đoàn kết trong vùng dân tộc thiểu số -0
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng ngày càng khởi sắc.

Nhiều gia đình người K’ho bây giờ cũng ăn Tết cổ truyền như người Kinh và các dân tộc khác. Người Kinh cũng nhiệt tình tham gia những lễ hội như mừng lúa mới, mừng thôi nôi, lễ hội cồng chiêng… của người K’ho và các dân tộc anh em. Với nhiều DTTS ở Tây Nguyên, Tết của họ chính là dịp lễ Giáng sinh. Những ngày bà con tạm dừng công việc nương rẫy hằng ngày để dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng nhà thờ đón lễ Noel thì người Kinh chung sống ở địa phương cùng tới giúp đỡ bà con trang trí nhà thờ, cùng tham gia các hoạt động tôn giáo mặc dù có khi họ không theo bất cứ tôn giáo nào.

Chuyện các chàng trai, cô gái người Kinh kết hôn với người K’ho hay các DTTS khác không còn là việc hiếm gặp. Thậm chí, dưới chân núi Langbiang huyền thoại, hằng ngày bà con vẫn trông thấy hình ảnh chàng trai người Mỹ, anh Joshua Henry Guikema giúp vợ là chị Rolan (người K’ho) kinh doanh buôn bán. Từ năm 2014, họ đã cùng nhau sống hạnh phúc, xây dựng nên thương hiệu cà phê nổi tiếng mang tên K’Ho Coffee.

Tự do tôn giáo được đảm bảo

Dân số tỉnh Lâm Đồng đạt trên 1,32 triệu người nhưng có tới 820.000 tín đồ theo các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 60% dân số toàn tỉnh. Lâm Đồng cũng có 1.805 chức sắc, 3.891 chức việc, 523 cơ sở tôn giáo hợp pháp, 2 cơ sở đào tạo tôn giáo.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Thế nhưng, lợi dụng “vấn đề ở Đắk Lắk”, các tổ chức phản động, lưu vong ở nước ngoài đang ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật, cổ súy cho những hành động sai trái. Tuy nhiên, số này không nhiều và phần lớn nằm trong các thành phần nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, có suy nghĩ cực đoan, lệch lạc, hoang tưởng về mặt chính trị.

Với già làng Lơ Mu Ha Djô (SN 1960, ngụ thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), lời của những kẻ “bán nước hại dân” kia chẳng khác gì là “liều thuốc độc” được ngụy trang như “cái kẹo ngọt” rất hấp dẫn. “Ngay ở xã chúng tôi, tuy rất nhỏ, chỉ tổng cộng mấy nghìn dân nhưng có tới hai nhà thời Tin lành. Vào cuối tuần, hay bất cứ lúc nào, ai muốn cầu nguyện, cứ tới nhà thờ, cửa lúc nào cũng rộng mở mà”, ông Lơ Mu Ha Djô cho biết.

Theo già làng Lơ Mu Ha Djô, không chỉ được tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, nhiều người đồng bào K’ho còn giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và bộ máy chính quyền, từ cấp tỉnh tới cấp xã. Bà con DTTS ở địa phương còn thường xuyên nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng rất khang trang. Đồng bào được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế, trẻ em ai cũng được tới trường, các gia đình được hỗ trợ bảo hiểm y tế…

“Chính sách mà Nhà nước dành cho người đồng bào chúng tôi là rất kịp thời, toàn diện và đầy đủ!”, già làng Lơ Mu Ha Djô khẳng định.

Khắc Lịch
.
.
.