Thấp thỏm với chuyện gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa

Thứ Hai, 17/06/2024, 07:48

Từ ngày 10/3 vừa qua, khi Chính phủ giao thẩm quyền cho cấp huyện cấp phép, gia hạn hoạt động của bến thủy nội địa, nhiều cảng, bến thủy nội địa tại Bình Dương đã rơi vào tình trạng chưa được xem xét cấp phép hoặc chưa được gia hạn.

Trên tuyến sông Thị Tính các huyện, thành phố của Bình Dương có tổng cộng 19 bến thủy nội địa thì đã có 11 bến hết hạn và 2 bến chưa được cấp phép dù 2 bến này có trong quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa theo quyết định của UBND tỉnh vào năm 2018. Ven tuyến sông Đồng Nai, các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương cũng có đến 46 bến thủy nội địa chuyên vận chuyển hàng hóa, nhưng đến nay cũng chỉ có 23 bến còn đang hoạt động, số bến còn lại thuộc trường hợp hết hạn, chưa được cấp phép.

thap thom.jpg -0
Một bến thủy nội địa ven tuyến sông Thị Tính.

Tương tự, ven tuyến sông Sài Gòn, các địa phương của Bình Dương cũng có đến 31 bến thủy nội địa nhưng đến nay cũng chỉ có 9 bến đang hoạt động, số còn lại thuộc trường hợp hết hạn giấy phép, bến xây dựng theo quy hoạch và một số bến không được cấp phép…

Phần lớn số bến giấy phép đã hết hạn đều từ năm 2023, những bến đang còn thời hạn hoạt động thì cũng hầu như giấy phép sẽ hết hạn trong năm 2024 này. Các doanh nghiệp bến thủy nội địa hết phép đều đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lại để hoạt động, nhưng đến nay mới có rất ít bến thủy nội địa được các địa phương cấp phép hoạt động trở lại.

Ông Hồ Quốc Cảnh, Chánh văn phòng UBND TP Thủ Dầu Một cho biết nhiều bến thủy nội địa trên tuyến sông Thị Tính và sông Sài Gòn vẫn chưa được cấp lại giấy phép. Nguyên nhân là do bị vướng hồ sơ xây dựng do bến đã được mở từ rất lâu, xây dựng theo từng giai đoạn hoặc vướng đất quy hoạch bảo vệ hành lang sông. Các chủ bến đã hết phép đang dài cổ chờ được cấp phép trở lại, thì các chủ bến đang hoạt động cũng không tránh khỏi tình trạng thấp thỏm khi rất nhiều giấy phép hoạt động bến thủy nội địa sẽ hết hạn trong năm nay. Năm 2018 tỉnh Bình Dương đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết với mục tiêu xây dựng hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng yêu cầu vận chuyển hơn 8 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020. Đến năm 2025 con số này sẽ  là 20 triệu tấn và sau năm 2025 đạt 40 triệu tấn. Bình Dương sẽ rà soát, cấp phép tạm cho những bến thủy nội địa chưa đảm bảo yêu cầu, đình chỉ những bến không đảm bảo yêu cầu và xây mới, nâng cấp một loạt cảng có công suất lớn. Trên tuyến sông Sài Gòn sẽ có các cảng hàng hóa công suất lớn, trên sông Đồng Nai cũng có nhiều cảng được xây mới hoặc nâng cấp. Ngoài ra, Bình Dương còn quy hoạch một loạt cảng chuyên dụng để vận chuyển xăng dầu, vật liệu xây dựng, than đá… Đối với các bến hàng hóa hiện hữu, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu rà soát, phân loại và nâng cấp theo quy hoạch hoặc xóa bỏ khỏi hệ thống nếu vi phạm vùng cấm xây dựng.

 Để được cấp phép, các bến phải đảm bảo các điều kiện hoạt động và tiêu chuẩn tối thiểu của bến loại 2. Tại quyết định này, tỉnh Bình Dương cho phép các huyện, thành phố được giữ nguyên, mở mới hoặc xóa bỏ các bến hàng hóa khá cụ thể, chi tiết trên từng tuyến sông. Tuy nhiên, với tình trạng hàng loạt bến thủy nội địa đã và đang rơi vào cảnh gián đoạn giấy phép trong thời gian dài như vậy, ngoài thiệt hại chủ bến, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa của địa phương này đang bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chưa tính lượng hàng hóa lưu chuyển nội địa, với 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, lượng hàng hóa XNK hàng năm của tỉnh Bình Dương là rất lớn. Nhưng đến nay phần lớn lượng hàng hóa XNK của Bình Dương vẫn phải di chuyển bằng đường bộ đến các cảng biển ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, gây áp lực lớn với hệ thống đường bộ trong khu vực. Nguyên nhân gây cản trở phát triển vận tải thủy nội địa khối lượng lớn với tỉnh Bình Dương ngoài vấn đề hạ tầng chưa đảm bảo, thì còn bởi khu vực này đang có 3 cây cầu cũ trên các tuyến thủy nội địa. Đó là cầu Bình Triệu trên sông Sài Gòn; cầu Hóa An trên sông Đồng Nai và cầu Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông. Những cây cầu này đều có tĩnh không thông thuyền rất thấp, chỉ ở mức 5 - 6m. Cả ba cây cầu cũ này đều đã đươc xây cầu mới bên cạnh để thay thế, nhưng cầu cũ vẫn được tận dụng phục vụ giao thông nên đều đang gây cản trở nghiêm trọng đến phát triển vận tải thủy nội địa khối lượng lớn liên vùng. Do đó tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng tháo gỡ tắc nghẽn với các bến trên để tránh gây gián đoạn hoạt động trung chuyển hàng hóa của các bến thủy nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ.

Bảo Sơn
.
.
.