Tháo gỡ vướng mắc các dự án thủy lợi ngàn tỷ tại Thanh Hóa

Thứ Tư, 02/03/2022, 07:26

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các đơn vị chức năng liên quan vừa kiểm tra thực tế, nghe ý kiến đề xuất các bên, nhằm tháo gỡ vướng mắc tại 2 dự án thủy lợi đặc biệt quan trọng có số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Cần tăng vốn cho dự án 800 tỷ đồng

“Dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiêu úng, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương ở phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa (Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn).

156d1122918t1721l9-img-8844.jpg -0
Tiểu dự án qua phường Nam Ngạn và Trường Thi (TP Thanh Hóa) trong tình trạng nhếch nhác.

Qua khái toán, để thực hiện đầy đủ các hạng mục, dự án cần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dự án này mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kinh phí đầu tư 800 tỷ đồng tại Quyết định 3312/QĐ-BNN-KH, ngày 23/7/2021.

Theo dự kiến, các hạng mục của dự án sẽ được xây dựng chủ yếu ở 2 huyện Nga Sơn và Hà Trung, hướng tới tiêu thoát lũ, giảm ngập cho 20.465ha đất sản xuất nông nghiệp, dân cư, khu công nghiệp, các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và giao thông nội vùng.

Dự án hoàn thành sẽ tăng cường chủ động tưới cho 6.807ha đất nông nghiệp thuộc vùng tưới của Trạm bơm Xa Loan, các trạm bơn trên sông Hoạt và sông Báo Văn. Cùng với đó, dự án hướng tới giảm thiểu ô nhiễm môi trường về mùa khô trên các trục tưới tiêu chính như sông Hoạt, sông Báo Văn, sông Hưng Long…

Mới đây, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, dự án tăng cường khả nước tiêu thoát nước vùng Bắc Thanh Hóa cần số vốn hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi dự án phê duyệt khoảng 800 tỷ đồng nên khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mặt khác, chủ đầu tư nên tính toán lại, tối giản diện tích xây dựng các hạng mục, công trình để tránh chiếm khá nhiều đất không thực sự cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu tổng thể, tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để điều chỉnh cho phù hợp, trong đó cần nghiên cứu thêm nguyên tắc tiêu tự chảy là chủ yếu, tiêu động lực là thứ yếu. Ngoài ra, cần nghiên cứu nạo vét thêm một số đoạn, nâng cấp thêm một số tuyến đê làm đường giao thông nông thôn. Về kiến nghị tăng vốn, đồng chí Thứ trưởng cho hay, dự án được chia thành nhiều giai đoạn, tính toán vốn cho giai đoạn 1 là 800 tỷ đồng, sau này có thể triển khai giai đoạn 2.

Kéo dài dự án tiêu úng Đông Sơn đến cuối năm 2022

“Dự án tiêu úng Đông Sơn đoạn qua TP Thanh Hóa” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1119/QĐ-BNN-XD, ngày 23/4/2007. Sau 3 lần được điều chỉnh vào các năm 2009, 2010 và 2019, tổng mức đầu tư được phê duyệt sau điều chỉnh lần cuối là hơn 978,811 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây lắp hơn 389,2 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 534,1 tỷ đồng, chi phí tư vấn hơn 18,7 tỷ đồng, còn lại là các chi phí hợp pháp khác.

Hệ thống tiêu úng Đông Sơn là dự án đa mục tiêu, có vai trò tiêu úng cho khoảng 13.356 ha của các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa (trong đó đất nông nghiệp 5.558ha; đất đô thị 7.798ha), với nhiều hạng mục chính như: Nạo vét và gia cố 41,43km hệ thống sông Quảng Châu, sông Thọ Hạc, sông Bến Ngự và sông Kênh Vinh; đầu tư 9 cầu qua sông Thọ Hạc và sông nhà Lê; sửa chữa, thay thế, cải tạo, nâng cấp cống Quảng Châu (TP Sầm Sơn), nhà quản lý cống Quảng Châu...

Ngoài góp phần hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát lũ, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, cải thiện môi trường của khu vực TP Thanh Hóa và các huyện lân cận, các hạng mục dự án còn hướng đến mục tiêu cải tạo và hiện đại hóa hạ tầng đô thị cho TP Thanh Hóa.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn và hoàn thành trong 4 năm kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hàng chục hạng mục đều phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhiều nút thắt hiện vẫn chưa giải quyết xong do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan của các bên liên quan.

UBND TP Thanh Hóa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Thanh Hóa cho chủ trương tách 4 dự án tái định cư ra khỏi dự án lớn về cho tỉnh quản lý và giải quyết, đồng thời hỗ trợ TP Thanh Hóa phần vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho 4 dự án nói trên là hơn 58,5 tỷ đồng; đề nghị Bộ xem xét bổ sung vốn để điều chỉnh một số gói thầu còn dở dang…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải tìm cách giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc cho dự án. Trên cơ sở những căn cứ pháp lý mà các cục, vụ đưa ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, không tách 4 dự án tái định cư ra khỏi dự án. Bộ đồng ý đề xuất điều chỉnh, tăng tổng vốn cho dự án, yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và nguồn vốn tăng thêm.

Trần Thắng
.
.
.