Tháo bẫy động vật hoang dã giữa rừng đại ngàn Trường Sơn
Mới tháng Tư mà vùng miền Tây Quảng Trị nắng như chảo rang. Ấy thế, khi bước vào những cánh rừng bạt ngàn 2-3 tầng lá nơi đây, mọi thứ dưới chân đều ẩm ướt và trơn trượt. Ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa dẫn đầu Đội tuần tra bảo vệ rừng vừa dùng cây gậy gạt lớp lá mục đề phòng các loại côn trùng, rắn rít tấn công người, vừa nhằm mục đích phát hiện ra những chiếc bẫy động vật hoang dã để tháo gỡ.
Mỗi năm, chúng tôi có ít nhất 3-4 đợt lội rừng cùng với các lực lượng Kiểm lâm, Công an và nhận thấy, so với rừng trồng, rừng tự nhiên tái sinh, những khu rừng đặc dụng trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) khó đi hơn rất nhiều. Bởi lẽ, địa hình không chỉ có nhiều vách núi đá dựng đứng, khe suối sâu rất hiểm trở, những loài cây bụi mọc hỗn giao dưới tán rừng cổ thụ chằng chịt, đầy gai, buộc người đi phải vừa phát quang chúng, vừa dò đường một cách cẩn thận.
Hành trang mang theo của các thành viên trong Đội bao gồm máy định vị; điện thoại thông minh cài đặt phần mềm Vtool, Smart; ống nhòm; máy ảnh; chăn màn và quần áo; dụng cụ nấu ăn; gạo và thực phẩm khô. Chúng tôi miệt mài đi dưới tán lá rậm rạp của rừng già cho đến khoảng gần đứng trưa thì dừng lại bên bờ suối để nấu cơm và tranh thủ mắc võng nghỉ ngơi. Sau bữa cơm trưa diễn ra chóng vánh, ông Hiếu nói với các thành viên: “Từ đây là khu vực đám thợ săn hay đặt bẫy, chúng ta phải hết sức chú ý và cẩn thận. Đội lại lên đường bằng những ánh mắt bám sát vào mặt đất. Mỗi khi phát hiện có dấu vết của việc đặt bẫy, các thành viên đều rất nhẹ nhàng gạt từng lớp lá mục để tìm kiếm”.
Bẫy thú rừng ở đây thường được làm theo hai dạng, một là loại bẫy kẹp răng cưa, còn lại là bẫy dây thòng lọng bằng cáp thép. Đối với bẫy răng cưa, đám thợ săn thường tự gia công, làm sẵn ở nhà hoặc đặt mua chúng trên các trang mạng xã hội, sau đó lén lút mang vào rừng đặt ở những nơi muông thú hay tìm kiếm thức ăn và đi lại. Còn đối với bẫy dây thòng lọng, một đầu dây được buộc vào đầu cành cây hoặc thân cây đóng chặt xuống đất. Sau đó, kéo mạnh đầu cành, thân cây này bằng sợi dây cáp đó xuống mặt đất để tạo lực. Đầu dây còn lại được kết thành vòng rút tròn, phía trên liền kề được thắt một cái khuy để khóa xuống một thân ngang bằng que thép cỡ nhỏ gác qua dụng cụ hình chữ “u ngược” cũng bằng thép được đóng chặt xuống mặt đất. Khi con vật giẫm lên thanh thép ngang, khuy khóa lập tức trật ra khỏi đó, cành bẫy bật ngược lên và rút mạnh khiến một phần thân thể của con vật bị chiếc vòng rút tròn kia thắt giữ lại.
Trong hai ngày đầu của chuyến tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy động vật hoang dã, chúng tôi đã phát hiện được 153 chiếc bẫy bao gồm cả hai loại nói trên. “Chúng tôi thực hiện tuần tra thường xuyên, nhưng để phát hiện, tháo gỡ được hết bẫy thú rừng ở đây là rất khó. Bởi lẽ, không chỉ người dân địa phương, mà còn có rất nhiều đám thợ săn là người dân ở các địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Bình ngày đêm lén lút, xâm nhập vào vùng rừng này để săn bắn, bẫy bắt thú rừng trái phép”, ông Hiếu trầm ngâm chia sẻ.
Khu BTTN Bắc Hướng Hoá nằm trên địa bàn 5 xã phía Bắc của huyện Hướng Hóa với tổng diện tích gần 24.000ha, trong đó rừng tự nhiên gần 22.000ha. Qua các cuộc điều tra, khảo sát động, thực vật ở khu BTTN này vào các năm 2004, 2016 và 2022, các cơ quan chức năng liên quan ghi nhận có tới 110 loài thú, 206 loài chim, 81 loài bò sát, ếch nhái đang sinh sống. Để tăng cường công tác bảo vệ rừng nói chúng, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, từ tháng 10/2023, Ban Quản lý khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã hành lập Đội chuyên trách về tuần tra, tháo gỡ bẫy thú với sự giúp sức của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó đến nay, cứ bình quân mỗi tháng, Đội tổ chức 3 chuyến tuần tra, với mỗi chuyến khoảng 7 ngày. Số bẫy sau phát hiện được thu gom, tiêu hủy và báo cáo theo quy định. Riêng 4 năm lại đây, do tình trạng lén lút săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép ngày càng gia tăng phức tạp, đơn vị đã tăng số lần tuần tra lên gấp hơn 2 lần, với tổng cộng 300 đợt. Qua đó, phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy gần 1.500 chiếc bẫy. Không chỉ tuần tra, tháo gỡ bẫy, Đội còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở các vùng đệm của khu bảo tồn cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
Tương tự khu BTTN Bắc Hướng Hóa, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban Quản lý khu BTTN Đakrông cho biết, ở đơn vị, Đội tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy động vật hoang dã cũng đã được thành lập từ tháng 9/2023. Đến nay, qua hàng trăm chuyến đi mỗi năm, lực lượng đã phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy tổng cộng 2.974 chiếc bẫy thú rừng.
Để muông thú dưới những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn của Quảng Trị không còn gặp bất trắc từ những chiếc bẫy được giăng mắc khắp nhiều lối đi, và cây rừng không còn đổ xuống bởi sự tàn phá của “lâm tặc”, các “biệt đội” gỡ bẫy thú rừngcủa các khu BTTN này đang hàng ngày, hàng giờ thầm lặng, miệt mài sải những bước chân không biết mệt mỏi…