Thăm thẳm ký ức Tết
Khi ánh nắng xuyên qua lớp sương mờ giăng giăng sau nhiều ngày trời u ám, những cơn gió Đông hây hẩy từng hồi như hơi thở mơn man của đất trời giao thoa. Mùa xuân đang đến rất gần. Xuân hân hoan trên mọi nẻo đường, len lỏi từng ngôi nhà, ngõ xóm. Xuân bồi hồi trong từng cảm xúc mênh mang. Khung trời xuân khéo chia đôi miền suy nghĩ: Mảnh lưu lạc nơi đất khách. Mảnh vương vấn lặng thầm phía trời quê...
Mẹ chuẩn bị Tết từ đầu vụ mùa. Chăm con lợn cỏ lưng võng béo ú, bầy gà trống cánh tiên rào rào vỗ cánh cất tiếng gáy lanh lảnh mỗi sớm mai. Thêm những liếp rau thơm, rau mùi, lá sả, hành, tỏi… trong vườn nhà. Cấy hái xong, mẹ để dành hũ gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy tròn, trắng phau như những viên ngọc trai bé xíu... Mẹ luôn chu toàn mọi thứ. Tết về trên đôi quang gánh cong tấm lưng gầy của mẹ. Tết về bên nước da dãi dầu của cha.
Dạo từ đầu tháng Chạp trong mỗi buổi chợ phiên bán được buồng chuối, con gà, mẹ lại gói ghém mua đồ chuẩn bị Tết. Chị em tôi ngóng chờ mẹ trong gió rít từng cơn dưới mái hiên nhà. Có hôm là ít đỗ xanh, mộc nhĩ. Hôm thì cuộn miến dong, mấy cân đường. Và khi thấy mẹ khệ nệ quẩy về bó lá dong, ống giang, tấm áo mới là Tết đang cận kề.
Tết sầm sập từ 23 tháng Chạp, ngày “ông Công, ông Táo” về Trời. Tới ngày 28, 29 thì Tết thật rồi. Nhà nhà tíu tít dọn dẹp, chuẩn bị mổ lợn gà, đồ xôi, nấu bánh chưng. Tiếng lợn kêu eng éc khắp xóm. Tụi trẻ con chúng tôi như phát cuồng, túm tụm bám theo xem cha và các chú lôi con lợn béo ra khỏi chuồng, hè nhau khênh về gần cầu ao để “hóa kiếp”.
Lợn quê nuôi bằng bỗng rượu, rau cỏ trong vườn nhà nên miếng thịt chắc, hồng và có mùi thơm đặc trưng. Láng giềng phụ giúp nhộn nhịp cả xóm. Chẳng mấy chốc, con lợn trắng phau đã nằm trên phản gỗ. Với bàn tay rắn rỏi, cha lọc xương, pha thịt. Thịt thủ được ông nội dành riêng bó mấy khoanh giò thủ, phần thịt mông chú sẽ làm giò giã, còn thịt ba chỉ được cha thái từng miếng để gói bánh chưng. Hấp dẫn nhất của ngày mổ lợn là bữa cháo lòng, tiết canh. Húp bát nước xuýt đậm đà, gắp miếng lòng non, miếng gan nóng hổi chấm mắm tôm đưa vào miệng, ta thấy rõ nhất sự no đủ, đầm ấm ngày Tết… Hương vị đó sao thân thương, ám ảnh mãi bao kiếp người tha hương.
Tết năm nào cũng vậy! Ngay từ chiều hôm trước, trong hơi ấm dịu ngọt, cánh én chao nghiêng chở mùa xuân về, tôi và cha hì hụi bổ mấy gộc cây làm chất đốt cho ngày Tết, nhất là nồi bánh chưng, nồi nước mùi già “tẩy trần”.
Việc rửa lá dong, mẹ luôn dành cho tôi vì tính cẩn thận. Mẹ thủ thỉ: “Bánh chưng muốn thơm ngon thì lá dong phải thật sạch”. Vậy là cậu nhóc cứ tỉ mẩn ngụp từng tàu lá dong trong làn nước buốt giá khiến đôi bàn tay cứng đờ, mẩn đỏ. Chẳng mấy chốc những tàu lá sạch được lấp đầy trên nia chờ ráo nước, rồi mấy chị em tỉ mẩn dùng giẻ sạch lau kĩ từng tàu.
Phía giếng nước, mẹ tỉ mẩn đãi sạch từng lớp vỏ đậu xanh được ngâm từ trước. Đậu xanh sau khi đãi sạch vỏ, để ráo nước đem hấp chín. Rồi mẹ ngồi vo gạo rất kỹ, tưởng như mẹ nhặt cả những hạt gạo vỡ ra ngoài. Những chiếc lạt được cha chẻ ra, tuốt kĩ để khi buộc sẽ chắc, bánh sẽ mềm dẻo.
Khi tất cả nguyên liệu đã xong, manh chiếu được trải giữa hiên nhà. Mẹ trộn gạo với muối theo tỉ lệ đã được mặc định từ trước khi về làm dâu. Nhà tôi vẫn gói bánh bằng cái khuôn được cha luôn cất giữ cẩn thận từ thời cha còn là anh thợ mộc có sức vóc lực điền. Cha còn cẩn thận làm một cái khuôn nhỏ để mấy chị em tôi học gói bánh.
Đậu xanh hấp chín, mẹ cho thêm thảo quả, gừng, đường và giã nhuyễn, sau đó vo thành từng nắm tròn làm nhân. Quê tôi gói bánh chưng thường cho đường vào nhân, vì bánh sẽ rền và để được lâu. Tôi và chị gái phụ cha cắt lá bánh, mỗi chiếc bánh cha gói bằng 4 lá vỏ và 4 lá ruột. Cha khéo léo cho 1 bát gạo, tãi đều rồi nửa nắm nhân, 4 miếng thịt vào 4 góc đầy đặn, rắc thêm ít lạc rang đã suốt vỏ, rồi cho nửa viên nhân còn lại và 1 bát gạo lên trên cùng. Sau khi lèn chặt các góc, làm cho mặt bánh phẳng phiu, cha khéo léo quấn lạt. Việc quấn lạt tưởng chừng đơn giản nhưng cần sự uyển chuyển, tránh làm rách lá thì chiếc bánh sẽ chắc và đẹp hơn.
Cha tủm tỉm: “Cha suýt không được ngoại gả mẹ cho vì gói bánh chưng dùng khuôn đó. Chứ ngoại con gói vo mà bánh đẹp hơn nhiều lần cha gói khuôn”. “Vậy con sẽ học cách gói bánh không dùng khuôn”, tôi khoái chí cười. “Chắc đây sẽ là thử thách cho chàng rể nào muốn lấy chị gái con!”. Mẹ ngồi nhìn cha nở nụ cười hạnh phúc.
Chẳng mấy chốc, những chiếc bánh lên hình hài vuông vắn. Tôi hí hoáy mãi rồi cũng gói được chiếc bánh nhỏ của mình. Cha buộc thêm sợi chỉ đỏ để đánh dấu và nháy mắt: “Coi bánh cậu út luộc xong có bung gạo không ta?”. Cả nhà được trận cười như pháo rang. Không khí đầm ấm trong tiếng nói cười của buổi đoàn viên xua tan mọi giá lạnh, mưa bay.
Chiếc nồi to sâu đáy được mẹ cọ rửa sạch sẽ. Cha lót dưới cùng lớp cuống lá dong để bánh không bị khê. Từng cặp bánh được buộc vào nhau trước khi cho vào nồi, cha xếp vừa chặt thành từng hàng. Cha nói: “Xếp bánh vậy để khi sôi bánh sẽ nương tựa vào nhau mà không bị vỡ”.
Xâm xẩm tối, nồi bánh chưng to được đặt lên bếp. Tiếng lửa cháy xèo xèo, lách tách những tàn lửa bắn ra xung quanh. Đến lúc nồi bánh chưng lục bục sôi thì cho nhỏ lửa, chỉ cần vài gộc củi âm ỉ cháy để giữ cho nước sôi đều. Bên cạnh bếp nấu bánh chưng, mẹ đặt chiếc nồi nhôm to nấu những gốc mùi già để cả nhà tắm gội ngày cuối năm. Mùi nước gốc mùi già khiến chị em tôi thơm tho đến mấy ngày Tết.
Những củ khoai, bắp ngô được vùi trong lớp than hồng. Hơi nóng phả ra khiến đôi má chị em tôi đỏ hây hây. Nơi góc bếp bồ hóng đã đơm kết thành từng mảng hăng hắc ấm áp vị quê, mấy chị em tôi nằm cuộn tròn trong tấm chăn mỏng trông nồi bánh chưng.
Mẹ vẫn dặn: Nấu bánh chưng phải đủ 12 tiếng, mà chị em tôi đâu thức đến giờ đó. Nửa đêm ngủ quên, lửa cháy cả góc chăn, may mà cha phát hiện kịp. Rạng sáng, bánh chín được mẹ vớt ra, rửa qua bằng nước mưa sạch. Mẹ thủ thỉ: “Gói đẹp mà luộc không khéo thì bánh cũng không ngon. Vậy nên công đoạn nào cũng quan trọng và phải kĩ”. Những chiếc bánh được đặt lên mặt chiếc bàn gỗ, cha lấy một tấm gỗ nữa đặt phía trên rồi thêm chiếc thớt to để ép nhẹ cho bánh ra nước. Làm vậy để bánh sẽ khô ráo, vuông vắn và lâu bị thiu.
Trong khói hương trầm vấn vương chiều 30 Tết, mâm cỗ tinh tươm được bưng lên bàn thờ tổ tiên. Đủ cả gà luộc, miếng giò sắt khéo, canh miến măng… và nổi bật là chiếc bánh chưng xanh được bóc khéo, cắt bằng lạt lá giang thành từng miếng hình tam giác đều đặn. Mâm cỗ ngày Tết được tạo nên từ tinh hoa của đất trời, chứa đựng cả tấm lòng thơm thảo con cháu với ông bà, tổ tiên…
Sâu thẳm trong mỗi trái tim luôn có miền cố hương để vấn vương, thương nhớ, mong ngóng đoàn viên. Cứ mỗi độ xuân sang, lòng ta đau đáu muốn được đắm mình vào mùa xuân quê hương. Tháng Chạp chạm ngõ, Tết đang về rồi…