Tàu vươn khơi, cá đầy khoang giữa mùa dịch

Thứ Bảy, 21/08/2021, 14:18

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và giá cả các mặt hàng hải sản, nhưng với quyết tâm bám biển, cùng với ngư dân miền Trung, những ngày này ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn cho tàu vươn khơi đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Mỗi tàu cá là một cột mốc sống giữa biển khơi, góp sức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Về làng chài Đông Hải, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) một ngày trung tuần tháng 7/2021, mới thấy được sự đổi thay, khởi sắc của ngôi làng nằm bên đầm phá Cầu Hai rộng lớn. Từ cuộc sống khó khăn, song nhờ cần mẫn, nỗ lực bám biển, nhiều ngư dân ở Đông Hải đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ngư dân Trần Đen (42 tuổi) là một trong số đó. Sau nhiều năm cần mẫn bám biển, gia đình anh đã đầu tư đóng mới chiếc tàu cá TTH-95644 công suất lớn nhất nhì ở xã Lộc Trì với hơn 700CV. Anh cho biết, những năm trước, hải sản gần bờ phong phú các loại tôm, cá nhưng vì gia đình chỉ có chiếc tàu cá công suất 45CV nên đánh bắt năng suất thấp.

Với quyết tâm làm giàu từ biển nên vợ chồng anh không ngần ngại vay vốn đóng mới tàu cá, cải hoán máy móc, mua sắm thêm ngư lưới cụ.

Tàu vươn khơi, cá đầy khoang giữa mùa dịch -0
 

“Tàu vừa đánh bắt, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá nên có chuyến biển, tôi và các bạn tàu lênh đênh ở các ngư trường lớn Hoàng Sa, Trường Sa nửa tháng trời mới về nhà. Cứ mỗi chuyến biển như thế, tàu của chúng tôi đánh bắt, thu mua từ 20 đến 30 tấn hải sản là chuyện thường. Còn giờ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sau mỗi chuyến ra khơi, tàu cá chúng tôi thường cập cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng để bán hải sản cho thương lái rồi chuẩn bị nhiên liệu, lương thực thực phẩm tiếp tục ra khơi”, anh Đen trải lòng.

Các ngư dân ở làng chài Đông Hải cho hay, từ năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá cả hải sản giảm sút do thị trường tiêu thụ giảm nhưng tàu cá địa phương vẫn bám biển vươn khơi đánh bắt tôm, cá. Ngư dân luôn tuân thủ thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể để đảm bảo phòng, chống dịch.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, hiện toàn xã có hơn 120 tàu cá, trong đó đội tàu xa bờ 40 chiếc công suất từ 400 đến 1.100CV của ngư dân Lộc Trì là đội tàu đánh bắt kết hợp hậu cần lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhờ hoạt động của đội tàu này, sản lượng đánh bắt hải sản của địa phương mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn. Bình quân mỗi năm ngư dân ở địa phương đóng mới từ 2 đến 3 tàu cá công suất lớn, bổ sung vào đội tàu đánh bắt ngư trường xa bờ. Nhờ có đội tàu xa bờ nên nhiều tàu cá chở hàng chục tấn hải sản trên đường vào bờ không may gặp sự cố, chết máy… đều được các ngư dân ứng cứu kịp thời, kéo vào bờ an toàn.

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong nước thì hàng trăm tàu cá xa bờ của ngư dân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn cập cảng cá Thuận An, với khoang tàu đầy ắp các loại hải sản. Khuôn mặt bịt kín khẩu trang, vầng trán nhễ nhại mồ hôi, ngư dân Trần Văn Chiến, chủ tàu vỏ thép TTH-99999TS cho biết, sau một thời gian tạm đóng cửa để phòng, chống dịch, hiện các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại địa bàn đã hoạt động trở lại nên nguồn tiêu thụ hải sản tăng mạnh hơn so với thời điểm tháng 4, tháng 5/2021.

Đặc biệt trong những ngày gần đây, để giúp đỡ, hỗ trợ người dân, nhất là người lao động nghèo đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân tại các xã biển huyện Phú Vang cùng nhiều ban ngành, đoàn thể thuộc 36 phường, xã ở TP Huế đã đến cảng cá Thuận An thu mua các loại tôm, cá vừa được ngư dân đánh bắt từ biển đưa vào để chế biến rồi gửi vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ bà con khó khăn.

“Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng với quyết tâm bám biển nên thời gian qua, tôi và các bạn tàu vẫn duy trì hoạt động vươn khơi. Sản lượng đánh bắt hải sản tụt giảm nhiều so với trước nhưng với quyết tâm bám biển nên mỗi chuyến biển, tàu cá tôi đánh bắt được nhiều tấn cá thu, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế. Trong đó cá thu được thu mua với giá từ 150 đến 170 nghìn đồng/1kg; cá ngừ lớn từ 70 đến 80 nghìn đồng/1kg và cá ngừ nhỏ từ 40 đến 50 nghìn đồng/1kg. Trừ chi phí xăng dầu, tiền nhân công bạn tàu thì vẫn không thua lỗ”, vừa cùng các ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ bán cho thương lái, ông Chiến chia sẻ thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, toàn xã có 54 tàu cá công suất lớn và hiện đều tham gia đánh bắt xa bờ giữa mùa dịch này. Theo ông Tùy, nếu năm 2020 sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn xã đạt 7.349 tấn thì từ đầu năm 2021 đến nay, ngư dân địa phương chỉ mới đạt 2.399 tấn so với kế hoạch đánh bắt 8.000 tấn hải sản. Ngoài nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm hơn trước thì nguyên nhân dẫn đến sản lượng đánh bắt tụt giảm là do việc ngư dân áp dụng công nghệ đánh bắt truyền thống, chưa đầu tư các trang thiết bị dò tìm luồng cá, ngư lưới cụ, máy móc hiện đại.

Còn ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An cho hay, để hỗ trợ ngư dân, ngoài công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các chủ tàu cá, ngư dân, chính quyền địa phương còn tích cực vận động bà con ngư dân lắp đặt, nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa tích hợp định vị vệ tinh cho tàu xa bờ, tuyên truyền không vi phạm đánh bắt ở các vùng biển thuộc phạm vi nước ngoài, không sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác để vừa tăng sản lượng đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ ngư trường.

Qua thống kê, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 450 tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ công suất từ 90 đến 1.100CV, trong đó có 41 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ thép đóng mới với tổng nguồn vốn vay hơn 303 tỷ đồng. Tổng lượng thủy hải sản 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh ước đạt gần 30.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 22.550 tấn. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, hầu hết các loại hải sản tiêu thụ chậm hơn, giá bán giảm 20 - 30% so với trước.

Theo ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy hải sản, ngành kiến nghị tăng cường hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tổ chức sản xuất trên biển cho các đội tàu tham gia khai thác biển xa. Đồng thời tăng cường liên kết các tổ đội thu mua, khai thác, kết nối các cơ sở thu mua chế biến trong và ngoài tỉnh nhằm tránh tình trạng ép giá thu mua của chủ nậu. Bên cạnh đó chú trọng phục hồi, tái tạo hệ sinh thái và nguồn lợi thủy hải sản.

Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các chủ tàu cá, ngư dân ở địa bàn tỉnh đã và đang tích cực vươn khơi bám biển, nỗ lực đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản hợp pháp để góp phần làm giàu cho quê hương, hướng đến bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tàu vươn khơi, cá đầy khoang giữa mùa dịch -0
 Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn cập cảng với khoang thuyền đầy ắp tôm, cá.
Anh Khoa
.
.
.