Tăng tốc chuyển đổi số

Thứ Hai, 10/10/2022, 07:10

Tại Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hướng tới ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia đều khẳng định quyết tâm “tăng tốc” chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, động lực của quá trình chuyển đổi số.

Đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Kinh nghiệm cho thấy, dịch vụ công trực tuyến muốn hiệu quả trước hết dịch vụ ấy phải hữu ích và nhất định nó phải được tổ chức sao cho thân thiện, thuận tiện, đơn giản nhất cho người dân trong sử dụng. Thống kê cho thấy, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an được người dân sử dụng đến 98%.

Cùng với việc triển khai, xây dựng 3 hệ thống (dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử), Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, Bộ Công an đã đồng lòng cùng với các bộ, ngành phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình Đề án 06 của Chính phủ, đến nay đã đạt được nhiều kết quả mà người dân, doanh nghiệp thực sự được thụ hưởng những tiện ích. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với 12 đơn vị bộ ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 3 nhà mạng: Viettel, Mobifone, Vinaphone) và 14 địa phương; tích hợp định tài khoản định danh và xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công và triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai mức 3, 4 với tổng số hồ sơ thực hiện qua cổng dịch vụ công là 4.588.535 hồ sơ, 137.849.532 trạng thái.

Tăng tốc chuyển đổi số -0
Triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

Trong đó, các nhóm dịch vụ người dân tham gia trực tuyến đạt tỉ lệ cao như: 157.691 hồ sơ thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, 457.425 hồ sơ cấp điện mới từ lưới điện cao áp (đạt 100 %), 2.590.490/8.95.005 hồ sơ đăng ký cư trú (đạt 32,7 %); 933.772 thí sinh đăng ký dự thi THPT trực tuyến (đạt tỷ lệ 93,1%); 616.522 thí sinh đăng ký nguyện vọng với trung bình 5,02 nguyện vọng trên mỗi thí sinh và tỉ lệ thanh toán trực tuyến nộp phí xét tuyển đạt 97%; cấp 35.992 hồ sơ đăng ký biển số ôtô, 158.539 đăng ký biển số xe máy; sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ bảo hiểm y tế đạt 87% tổng số cơ sở y tế trên toàn quốc, đến nay đã có 2.514.944 lượt công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm xã hội; đã tích hợp và tạo lập dữ liệu dùng chung cho hơn 27 triệu công dân tham gia đóng bảo hiểm y tế; đồng bộ mũi tiêm của Bộ Y tế cho 100.662.634 công dân, thông tin đăng ký xe là 501.394 công dân; thông tin hộ chiếu là 1.527.912 công dân, thông tin xuất nhập cảnh vào Việt Nam là 224.752 công dân; trình độ học vấn 1.899.264 công dân; hiện đang tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và dữ liệu người nước ngoài để triển khai định danh điện tử.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức, người dân không cần phải đến trụ sở tiếp nhận để thu hồ sơ, hạn chế đi lại, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường; cơ quan quản lý tiết kiệm các nguồn lực phát hành, quản lý các loại giấy tờ và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn như: Tiết kiệm tối thiểu 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến; tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay cho thẻ ATM trên cả nước; Bảo hiểm xã hội không phải phát hành thẻ bảo hiểm y tế tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Kết nối dữ liệu là yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia

Lãnh đạo Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng, việc khai ứng dụng 3 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh điện tử vẫn còn dư địa rất lớn. Do đó, các bộ ngành, các cơ quan, tổ chức nói chung và Bộ Công an nói riêng sẽ phải tiếp tục triển khai quyết liệt một số giải pháp trong thời gian tới như nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội gắn liền với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, mỗi người dân có một tài khoản an sinh xã hội để nhận tiền trợ cấp từ Chính phủ đảm bảo chính xác, hiệu quả, nâng cao công tác phòng ngừa việc trục lợi của các đối tượng. Phát triển dịch vụ công, thúc đẩy, huy động, phối hợp với các nhà cung cấp chứng thư số công cộng nghiên cứu giải pháp tích hợp, cấp chữ ký số miễn phí cho người dân gắn với tài khoản định danh điện tử; phát triển công dân số, tiếp tục triển khai mở rộng các ứng dụng xác thực, định danh khách hàng trên nền tảng thẻ CCCD gắn chip. Hoạch định dữ liệu dùng chung bằng cách tăng cường công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đồng bộ dữ liệu để làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời, phân tích dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên các lĩnh vực.

Từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết: Sắp tới, dịch vụ công sẽ không chia làm 4 mức độ, mà chỉ còn 2 loại toàn trình và một phần.

Toàn trình là việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn toàn trên không gian mạng. Người dân không phải đến cơ quan nhà nước, còn cơ quan nhà nước không phải đi thực địa, thẩm tra. Tất cả đều được thực hiện trên môi trường mạng. Do đó, việc xây dựng và kết nối dữ liệu là cốt lõi để xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đề xuất ban hành danh mục dữ liệu mở để các cơ quan ban ngành, địa phương dựa vào đó để xây dựng kế hoạch cung cấp dữ liệu mở của mình. Các cơ quan nhà nước cố gắng cung cấp dữ liệu mở cho xã hội để dựa trên đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới sáng tạo.

TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, để chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, chiến lược chuyển đổi số nên tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số; Doanh nghiệp số; Công dân số.

Theo TS Lê Doãn Hợp, phải hiểu mạch lạc rằng "chính phủ" ở đây là hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Chính phủ số nếu chưa làm 3 việc sau đây thì chưa phải Chính phủ số: Họp không cần gặp nhau; xử lý công việc không cần giấy tờ; thanh quyết toán không dùng tiền mặt. 3 điều này cần phải quyết liệt làm.

Về doanh nghiệp số, có 3 vấn đề: Làm việc không cần gặp nhau; xử lý không cần văn bản; thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Làm được như thế, môi trường hoạt động sẽ lành mạnh hơn. Cuối cùng về công dân số, mỗi công dân Việt Nam chỉ cần có 1 chiếc smartphone kết nối internet thì chuyển đổi số đã có một bước tiến. Chỉ cần 1 thiết bị, chúng ta có thể tra ra tất cả những thông tin mà mình cần, đó là sự khác biệt.

Nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đã, đang và sẽ luôn luôn hành động để đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân trong quá trình chuyển đổi số.

Huyền Thanh
.
.
.