Tăng mạnh thuế thuốc lá có giảm được số người hút?
Việt Nam có 40.000 – 70.000 ca tử vong sớm do thuốc lá. Chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá tới hơn 108 nghìn tỷ đồng/năm, trong khi thu thuế từ thuốc lá chỉ là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Trong khi đó, giá thuốc lá rất rẻ, dễ dàng mua và sử dụng. Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, tăng thuế các loại thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng, đặc biệt người nghèo.
Gánh nặng bệnh tật khổng lồ do thuốc lá
Tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 13/8, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân chưa đặt như kỳ vọng.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – bà Angela Pratt cũng cho rằng, giá thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ, đây là một trong những thách thức rất lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Giá thuốc lá vẫn được giữ nguyên trong nhiều năm qua, trong khi thu nhập lại tăng. Điều này cần thay đổi, tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá.
Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, điều chỉnh thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2016-2030 với 2 phương án: Sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030; tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Theo bà Angela Pratt, Dự thảo vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tại hại thuốc lá tại Việt Nam. Theo mô hình của WHO, tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Điều đáng nói, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hằng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị mạnh mẽ của WHO.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Nhị Thuỷ cũng nêu, tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh, thiếu niên và những người có thu nhập thấp tiếp tục hút thuốc, hoặc bỏ thuốc hoàn toàn. Tăng thuế thuốc lá có lợi cho đất nước và người dân.
Còn theo BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới (thuế thuốc lá chỉ bằng 1/6 của Thái Lan). Thị trường lại quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, cần phải tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong.
Tăng thuế mạnh có giảm tỷ lệ người nghèo hút thuốc?
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các nghiên cứu từ gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đang gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm 81,4% các ca tử vong) cho thấy, tăng thuế thuốc lá là phù hợp với định hướng, quan điểm của Đảng, nhà nước. Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 phải đạt 15.000 đồng/bao thuốc và thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng.
"Mức tăng thuế như đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, phù hợp với khuyến cáo của WHO và thực trạng của Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị không đưa vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới, vì hiện nay còn chưa rõ khái niệm về sản phẩm do chưa có cơ sở pháp lý. Nhiều quốc gia đang cấm kinh doanh các sản phẩm có hại cho sức khoẻ này”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn, tăng thuế phải đủ mạnh thì mới đạt được mục tiêu để người nghèo bỏ thuốc lá, nếu tăng nhẹ thì người nghèo vẫn hút. “Để giảm tỷ lệ hút thuốc lá đạt được mục tiêu như Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, phải tăng mạnh ngay từ đầu là tăng 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đến 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Theo tôi, phương án số 2 của Bộ Tài chính tốt hơn phương án số 1, mặc dù điểm kết giống nhau, nhưng tăng ở mức cao những năm đầu tiên số người giảm hút sẽ nhiều hơn so với tăng mạnh những năm về sau. Bởi vấn đề sức khoẻ của người nghèo là cấp bách rồi”, ông Sơn đề xuất. Tuy nhiên, thực tế có đúng như vậy hay không là một vấn đề vì nhiều người khi đã thèm thuốc lá thì dù đắt đỏ vẫn cố mua, kể cả nhịn ăn, nhịn mặc.
Đồng thời, có nhiều ý kiến cho rằng, mặt trái của tăng thuế thuốc lá đi liền với buôn lậu thuốc lá.