Tăng cường hợp tác hàng không – du lịch để thu hút du khách có mức chi trả cao
Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt trên 70% so với kế hoạch đề ra. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách, vượt kế hoạch dự kiến nhưng chi phí khách du lịch nội địa thấp. Để phục hồi du lịch, cần tăng cường hợp tác giữa hàng không và du lịch để thu hút khách quốc tế, khách du lịch nội địa có mức chi trả cao.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, một số lượng lớn doanh nghiệp du lịch đã từng bước khôi phục hoạt động, thu hút lao động du lịch trở lại làm việc, giải tỏa được sự đóng băng dài trong hơn 2 năm của đại dịch. Nhiều doanh nghiệp mới đã thành lập, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức kinh doanh, phù hợp với tình hình du lịch sau đại dịch. Tuy nhiên, do tăng trưởng một cách tự phát, nên du lịch nội địa của Việt Nam thiếu tính bền vững. Lượng khách quốc tế vào rất thấp nên du lịch nội địa cũng dễ suy giảm. Sức cạnh tranh của du lịch nội địa Việt Nam thấp.
Yếu tố giá cao, chất lượng dịch vụ còn thấp, do vậy khách du lịch nội địa có điều kiện chuyển đi du lịch nước ngoài (out-bound). Một trong những giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch nội địa bền vững là đẩy mạnh hợp tác du lịch hàng không để nâng cao lượng khách chi trả cao thông qua xây dựng các gói combo (vé máy bay + phòng khách sạn + dịch vụ) thuận lợi cho khách…
Đồng nhận định rằng hàng không và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết, ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, việc phục hồi và sau đó tăng trưởng của ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19 khi nguồn khách này chiếm tới 70% lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không. Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam rất chú trọng xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kết nối hàng không nội địa cũng như quốc tế, xây dựng các đề án triển khai hoạt động kết nối hàng không-du lịch…
Tuy nhiên, trong năm 2022, do các quốc gia áp dụng các hạn chế đi lại để phòng, chống dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau và các hạn chế này được dỡ bỏ ở các giai đoạn khác nhau nên du lịch quốc tế cũng bị hạn chế. Đối với Việt Nam, lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch - nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn thấp.
Về phía Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhận định, hàng không có vai trò rất lớn trong phục hồi và phát triển du lịch.
Theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do vậy, liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành. Hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Cũng theo ông Khánh, để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại trong thời gian tới thì cần có nhiều giải pháp. Về xúc tiến quảng bá, cần tập trung triển khai thật tốt Chiến dịch xúc tiến, quảng bá “Live fully in Viet Nam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách. Hai ngành tiếp tục hợp tác chặt chẽ, nhất là tổ chức các chương trình phát động du lịch thị trường du lịch trong và ngoài nước, tổ chức các đoàn FAM cho doanh nghiệp và báo chí, tham gia các hội chợ du lịch và tổ chức các chương trình kích cầu; phối hợp tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các ấn phẩm, tài liệu quảng bá, trao đổi thông tin nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó, hai ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không và du lịch nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 để lại; trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế; tăng cường triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian tới, ngành hàng không cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm an toàn giao thông cho khách du lịch. Cần xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải khách du lịch. Vấn đề quá tải hạ tầng sân bay phải được nghiêm túc nghiên cứu, tháo gỡ trở lại, bởi, nếu không được khắc phục, đây sẽ là một rào cản rất lớn khi ngành du lịch phục hồi trở lại…