Số lượng lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 giảm mạnh
Ngày 12/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý I/2022. Ông Phạm Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê đã báo cáo, trong quý I/2022 có 50 triệu lao động có việc làm. So với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức, phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, (21,4 triệu người có việc làm phi chính thức, phi hộ nông, lâm, nghiệp và thuỷ sản). Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững.
Trong quý I/2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Lực lượng lao động tăng ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước tăng cao, đạt 51,2 triệu người. Trong đó, cơ sở kinh doanh cá thể là khu vực thu hút nhiều lao động quay trở lại làm việc nhiều nhất, số lao động tăng lên trong khu vực này chiếm tỷ trọng 55,4 % số lao động tăng thêm trong kỳ.
Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh, trong đó, tình trạng thiếu việc làm cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng mạnh so với quý trước, đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).
Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21% điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Hoài Nam, mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau: Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.