“Quỹ lớp, quỹ trường”, quy định một đằng làm một nẻo

Thứ Tư, 18/10/2023, 05:37

Rất nhiều lần đi họp phụ huynh, bản thân tôi thấy chỉ khoảng 2/3, thậm chí chỉ một nửa số phụ huynh tham gia họp. Sau khi bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban luôn nói về việc đóng quỹ để mua sắm một số vật dụng, máy móc phục vụ học tập và kinh phí cho các hoạt động khác.

Hầu hết với mức đóng tự nguyện là 500 ngàn đồng/học sinh/năm học. Nếu phát sinh thì Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp thêm. Có khá nhiều người không đóng hoặc đóng ít hơn, vì hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có những trường thu quỹ trường, quỹ lớp như lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cuối tháng 9 vừa qua, gây xôn xao dư luận về bảng thu chi quỹ lớp đầu năm lên hơn 300 triệu đồng. Mỗi phụ huynh học sinh của lớp này đóng 10 triệu đồng. Năm học chỉ mới bắt đầu, sau khi trừ các khoản chi thì quỹ lớp chỉ còn dư hơn 50 triệu đồng. Việc phụ huynh đóng quỹ lớp với số tiền thu chi như trên tạo ra phản ứng bất bình. Ngay sau đó, Trường Tiểu học Hồng Hà đã trả lại tiền cho phụ huynh.

Trên diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin lạm thu của nhiều trường học trên cả nước. Để giảm bức xúc của phụ huynh, một số trường chia nhỏ số tiền mà học sinh phải đóng để nộp theo từng đợt, hoặc nộp theo học kỳ. Mang tiếng là tiền để phục vụ cho học sinh nhưng thực tế các em không được hưởng bao nhiêu trong số tiền này.

Trong các thông tư, văn bản của ngành giáo dục, không có khái niệm “quỹ lớp, quỹ trường”. Chỉ có kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định trong Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT, quy định rõ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh, đóng bao nhiêu tùy mỗi người.

TP Hồ Chí Minh có nhiều văn bản quy định rõ các khoản đóng góp của phụ huynh trong năm học, như: Công văn 1427 năm 2019 của UBND thành phố hướng dẫn thực hiện Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT; các công văn hướng dẫn thu chi, quy định học phí của Sở GD-ĐT; Nghị quyết 04/2023 của HĐND thành phố về các khoản thu…

Cơ sở pháp lý cho các khoản thu chi, quỹ phụ huynh học sinh rất rõ ràng. Tất cả đều bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định, gây bức xúc trong xã hội.

Tại hội nghị giao ban đầu năm học với lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo vào ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-Đ TP Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt về xử lý vi phạm các khoản thu trong trường học với người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Ông Hiếu yêu cầu tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống và không có khái niệm “quỹ lớp, quỹ trường”.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo Sở nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011 của Bộ GD-ĐT.

Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục. Mở rộng đối tượng tài trợ, không tập trung vào việc vận động từ cha mẹ học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhưng tất cả quy định về thu chi, quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được quán triệt rõ ràng, đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện trong đóng góp. Để khắc phục vấn nạn lạm thu đầu năm học, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, cần đánh giá đúng vấn đề tại các cơ sở giáo dục xảy ra lạm thu trong thời gian qua trên cả nước.

Xác định nhà trường đã chi sai những gì, mức độ sai ra sao, do chủ quan hay khách quan. Nếu xác định được nguyên nhân sai phạm là cố tình thì phải xử lý nghiêm khắc. Nếu nguyên nhân sai phạm là khách quan, do các quy định, hướng dẫn của địa phương, Sở GD-ĐT chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm, trường học đề xuất điều chỉnh quy định sao cho rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện.

Nguyễn Cảnh
.
.
.