Phát huy mô hình “Tổ dân phố an toàn” và điều trị tốt F0 từ cơ sở

Thứ Sáu, 10/09/2021, 07:33

Đến nay, huyện Củ Chi và quận 7 ở TP Hồ Chí Minh cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19, số phường, xã vùng xanh liên tục được mở rộng. Các chốt kiểm soát tích cực hoạt động để ngăn chặn các nguồn lây dịch, đồng thời xử phạt vi phạm về phòng, chống dịch. Nhiều địa phương khác của TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để sớm đẩy lùi dịch bệnh với nhiều cách làm hay đem lại hiệu quả. 

Chăm sóc và điều trị tốt F0 từ cơ sở

Nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh đang ráo riết kiểm soát dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chăm sóc, điều trị F0 ngay từ cơ sở, xét nghiệm nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng và tăng cường tiêm vaccine.

Tại quận 7, nhiều vùng xanh được giữ vững, hầu hết người dân ở các vùng đỏ, vùng cam đã xét nghiệm SARS-CoV-2, số người tự test ngày càng nhiều. Tính đến ngày 9/9, quận 7 có tổng số 10.342 ca nhiễm, trong đó trên 2.600 F0 điều trị tại nhà, trên 3.570 người đang được thu dung, chăm sóc tại 9 cơ sở cách ly F0. Cùng với việc phát đầy đủ các túi thuốc thì việc tư vấn qua điện thoại, đáp ứng nhanh các tình huống khẩn cấp được thực hiện hàng ngày.

Còn quận Phú Nhuận, nhằm chủ động cứu chữa người bệnh, quận đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến và 7 khu cách ly tập trung. Song song đó, quận chăm sóc, điều trị F0 tại nhà với nhiều kênh thông tin hỗ trợ, không để xảy ra F0 không được kết nối thông tin với chính quyền, y tế. Phú Nhuận triển khai hoạt động 13 trạm y tế lưu động tại 13 phường do 39 y, bác sĩ quân y phụ trách cùng với các tình nguyện viên. Đồng thời, lập 14 nhóm zalo hỗ trợ tư vấn các ca F0 đang cách ly tại nhà và tại khách sạn.

Phát huy mô hình “Tổ dân phố an toàn” và điều trị tốt F0 từ cơ sở -0
Cơ quan chức năng phường An Khánh, TP Thủ Đức kiểm soát chặt để phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Dung (quận Phú Nhuận) là F0 điều trị tại nhà chia sẻ: “Các cán bộ, y, bác sĩ không câu nệ hình thức hay thời gian, có yêu cầu là hỗ trợ ngay. Sau khi sàng lọc các triệu chứng hoặc tình hình sức khỏe thì có các tư vấn hợp lý nhất”.

Không để F0 rơi vào hoảng loạn tại nhà vì không cấp cứu kịp, quận Phú Nhuận còn trang bị, huy động 12 xe cấp cứu chuyên dụng; các thiết bị, dụng cụ cần thiết như máy đo SpO2, bình oxy, dung cụ thở oxy… Kết nối tổ phản ứng nhanh với mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, “Tổng đài 1022” để cấp cứu tại nhà thần tốc đối với các trường hợp đã qua sàng lọc…

Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết: “Bên cạnh việc tư vấn và chăm sóc cho F0 tại nhà thì tốc độ tiêm vaccine là điều rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quận thực hiện tiêm chủng lưu động đến tận nhà để tiêm cho người cao tuổi, người trong khu phong tỏa, bệnh nhân lao”.

Tại TP Thủ Đức, cùng với xét nghiệm, mở rộng vùng xanh, điều trị, chăm sóc đúng phác đồ cho cả F0 tại nhà lẫn các bệnh viện, khu cách ly thu dung tập trung. Để người bệnh an tâm, đặc biệt là các F0 tại nhà, mỗi ngày các đội y tế lưu động đều thăm hỏi, nắm bắt kịp thời diễn biến sức khỏe, phát túi thuốc đầy đủ.

Ngoài các bệnh viện, Thủ Đức còn thiết lập 58 khu thu dung F0, hiện đang thu dung 3.149/7.966 giường. Có nhiều y, bác sỹ được phân công hỗ trợ các phường, 225 bình oxy, 10 xe cấp cứu cơ động, 37 đội phản ứng nhanh; kịp thời hỗ trợ theo dõi, cấp cứu và chuyển các trường hợp trở nặng vào các khu điều trị. Đến nay, các trường hợp chuyển biến nặng hay thiếu oxy, thiếu thuốc ở tuyến cơ sở đã giảm hẳn. Số bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng, nhiều vùng cam đã chuyển thành vùng xanh, ngày kiểm soát được dịch đang đến gần với Thủ Đức.

Hiệu quả của mô hình “Tổ dân phố an toàn”

Tại nhiều địa bàn ở TP Hồ Chí Minh, cùng với quản lý chặt chẽ việc lây lan dịch bệnh thì mô hình “Tổ dân phố an toàn; Ấp an toàn, Khu phố an toàn” được xây dựng đã đem lại hiệu quả.

Tại Thủ Đức, 34/34 phường đã rà soát xây dựng mô hình “Khu phố, Tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19”; đã xây dựng được 927 vùng xanh, vùng an toàn, với 99.069 hộ. Có 3.648 tình nguyện viên, gồm nhiều lực lượng như: Tổ trưởng, phó tổ dân phố, dân quân tự vệ, lực lượng nòng cốt ở cơ sở và người dân tham gia trực tại các chốt tự bảo vệ, kiểm soát người ra vào khu vực, đảm bảo ngăn không cho người lạ, shipper vào vùng an toàn. Trong đó, lực lượng tình nguyện viên là người ở trọ và người lao động tự do tạm trú tham gia trực chốt là 427 người.

Anh Nguyễn Văn Tùng và nhiều lao động tham gia các chốt bảo vệ vùng xanh ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Chúng tôi rất sẵn sàng được chung tay vào cuộc chiến chống dịch với mong muốn nhanh chóng kiểm soát được COVID-19. Các công nhân ở trọ cũng tham gia vận động qua điện thoại người quen của mình phải thực hiện nghiêm các yêu cầu của chính quyền địa phương”.

Còn tại huyện Củ Chi, khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, huyện cũng đã khẩn trương lập các xã, ấp an toàn. Đến nay, chỉ còn 1 xã thuộc vùng có nguy cơ cao (xã Trung An), 2/21 xã thuộc vùng có nguy cơ (xã Bình Mỹ, xã Tân Thạnh Đông), 18/21 xã bình thường mới, trong đó có đến 15 xã là vùng xanh. Tại các ấp đã xây dựng mô hình bảo vệ an toàn đối với dịch COVID-19. Trong số 178 ấp, khu phố được đánh giá thì chỉ có 1 ấp thuộc vùng nguy cơ rất cao (đỏ), 1 ấp thuộc vùng có nguy cơ cao (cam), 11 ấp thuộc vùng có nguy cơ (vàng), 13 ấp cận xanh và 152 ấp, khu phố bình thường mới (xanh).

 “Chúng tôi huy động tối đa các lực lượng cùng tình nguyện viên phục vụ ở các khu thu dung và cách ly tập trung trong huyện. Ở đó có đủ thuốc men, oxy, máy đo SpO2… Các tình nguyện viên hàng ngày nấu nước chanh sả mang đến cho F0 uống nâng cao sức khỏe, chỉ có số rất ít (hơn 10 trường hợp) già yếu… là F0 thì điều trị ở nhà. Vấn đề bảo vệ sức khỏe, chống lây lan dịch trong cộng đồng được hướng dẫn đến tận từng người ở các ấp”, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.

Với mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15/9, các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực từng giờ, trong đó việc nhân rộng mô hình khu phố, tổ, ấp… an toàn và tích cực chăm sóc, điều trị F0 tại nhà được thực hiện rất tốt.

Nguyễn Cảnh
.
.
.