Nỗi lo hàng giả dịp cuối năm

Thứ Sáu, 02/12/2022, 05:16

Đến hẹn lại lên, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, các đối tượng buôn lậu, hàng giả tăng cường hoạt động mạnh mẽ. Theo dự báo khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống, hàng tồn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ dồn dập quay lại thị trường.

Trước thực tế này, các lực lượng chức năng đã có kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm (ATTP) để người dân có một cái Tết an toàn.

Hàng giả ngày càng tinh vi

Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vẫn âm thầm diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, các đối tượng buôn lậu, hàng giả tăng cường hoạt động mạnh mẽ.

download (1).png -0
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, các loại hàng giả, người tiêu dùng gặp phải thường xuyên nhất, như: rượu, thuốc lá, quần áo, trái cây, hóa mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, hàng tiêu dùng thiết yếu như: Mì ăn liền, kem đánh răng, bánh kẹo,…

“Nhiều trường hợp hàng giả có mẫu mã, bao bì đẹp hơn cả hàng thật khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn. Trong khi đó, các cửa hàng thường chỉ bán hàng giả hoặc hàng thật, không bán hàng giả- hàng thật song song, nên người tiêu dùng càng khó để so sánh sự khác biệt. Mua nhầm hàng giả, người tiêu dùng bị ảnh hưởng về sức khỏe, bị thiệt hại về vật chất và tinh thần…”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, hàng giả xuất phát từ 2 nguồn chính là nhập lậu từ nước ngoài, hàng xách tay giả và hàng giả được sản xuất ngay tại thị trường nội địa. Các đối tượng làm hàng giả dùng những công nghệ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra và đánh lừa người tiêu dùng. Hàng giả có nhiều hình thức như: Giả về bao bì, nhãn mác…, loại này rất dễ nhận biết. Nhưng có những loại hàng giả tinh vi hơn như: Giả về công dụng thì rất khó nhận biết và chỉ khi người tiêu dùng mua về dùng thì mới phát hiện ra công dụng không như quảng cáo. Ngoài ra, còn giả về xuất xứ hàng hoá, giả về tiêu chuẩn chất lượng.

Mới đây nhất, ngày 30/11, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đột xuất kiểm tra và bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với dầu gội đầu và sữa tắm, tại các kho chứa, lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn các loại thuốc làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da các nhãn hiệu khác nhau.

Tại xưởng sản xuất nằm kế bên, lực lượng QLTT cũng ghi nhận hàng chục tấn các loại hoá chất đựng trong các thùng phuy màu xanh, có chất lỏng màu trắng, dạng sệt cùng một lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ chai nhựa các loại và các chồng thùng carton vẫn nguyên đai, nguyên kiện. Các xưởng và kho chứa này đều nằm trên địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Theo ước tính, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên tới vài chục tấn. Đây là kho chứa và xưởng sản xuất mỹ phẩm vi phạm lớn nhất từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, số vụ chống buôn lậu qua biên giới đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp. Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ đồng, xử phạt và nộp Ngân sách Nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Hướng dẫn người dân nhận biết hàng giả, hàng nhái

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, việc chống hàng giả hiện còn nhiều khó khăn. Việc kiểm tra xử lý hàng giả, hàng nhái mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Việc quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng mua hàng biết cách phòng tránh. Hơn nữa, hàng giả hiện đang thể hiện ở nhiều hình thức, đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, cập nhật.

Đặc biệt, doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm thì nên có ý thức phối hợp với cơ quan chức năng để có thể có cách phòng chống sớm, thay vì cách ngại không báo. Theo đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là lực lượng chức năng ở khu vực biên giới. Khi hàng giả đã thẩm lậu vào nội địa và hàng giả sản xuất trong nội địa thì công tác nắm bắt thị trường địa bàn, tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp phản ánh rất quan trọng. Cùng với đó, chế tài xử phạt, cần mạnh hơn để tăng tính răn đe hơn nữa để các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái chùn bước trước những lợi nhuận do sản xuất hàng giả, hàng nhái mang lại.

Ông Adrian Clarke, Quản lý Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam cho rằng, cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về hệ lụy với hàng nhái hàng giả với chính sức khoẻ của họ. Cũng như tác động tiêu cực tới hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp cũng như chính các nhà sản xuất chân chính. Ông Dương Đức Duy, Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng đề xuất cần cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe, đồng thời, hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp một cách minh bạch, an toàn, có chế tài rõ ràng đối với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Về phía người tiêu dùng, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc “bài trừ” hàng giả. Với nhiều mặt hàng, người tiêu dùng chỉ cần chú ý thêm là tự phân biệt được, chẳng hạn như: Có nhiều hãng mỹ phẩm chỉ sản xuất một loại bao bì, thông tin này được công bố rõ ràng nên sản phẩm cùng tên, trùng thông tin nhưng bao bì khác là hàng giả. Có mặt hàng như vợt cầu lông, rượu… thì nhà sản xuất chính hãng đều có dụng cụ giúp người dùng kiểm tra tem hàng thật - hàng giả ngay tại cửa hàng; có mặt hàng như võng xếp Duy Lợi chỉ bán ở cửa hàng chính hãng… Trong quá trình tham gia mua sắm hàng hoá người tiêu dùng khi mua phải hay thấy thông tin về sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì có thể liên hệ phản ánh tới đường dây nóng của lực lượng QLTT.

Khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý chức năng, Tổng cục QLTT sẽ vào cuộc xác minh và xử lý thông tin kịp thời. Để phòng chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả rất cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Hiện, lực lượng QLTT đang tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp Ngân sách Nhà nước 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 380 vụ (giảm 76,47% so với cùng kỳ năm 2021), 472 đối tượng (giảm 78,03% so với cùng kỳ năm 2021).

Lưu Hiệp
.
.
.