Nỗ lực giúp đồng bào xóa nhà tạm để ổn định cuộc sống
Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong đó chú trọng tập trung xóa nhà tạm, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS tại huyện miền núi A Lưới, tiến tới đưa A Lưới ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước.
Bên trong căn nhà vừa xây dựng, anh Hồ Văn Thứ (người đồng bào dân tộc Pa Cô, ở thôn A Tia 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) cho biết, trước đây gia đình anh phải sinh sống trong căn nhà tạm chật hẹp, xuống cấp. Mỗi năm vào mùa mưa bão, cả gia đình anh luôn nơm nớp lo sợ, bất an.
“Mới đây, thông qua nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở (từ chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 - PV), tôi đã vay vốn 40 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này cộng với một số khoản vay khác nên gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang để xóa bỏ nhà tạm xuống cấp. Tết này chắc chắn vui hơn vì có nhà mới”, anh Thứ phấn khởi chia sẻ.
Cũng tại xã Hồng Kim, hiện có hàng chục hộ dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở như trên để xây nhà mới kiên cố, xóa bỏ nhà tạm. Ông Hồ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết, là xã đặc biệt khó khăn nên đến nay địa phương vẫn còn rất nhiều hộ dân phải sinh sống trong những căn nhà tạm, nhà cũ xuống cấp. Vì thế khi có nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, UBND xã đã kiểm tra, thống kê, lập danh sách các hộ dân có nhu cầu đăng ký vay vốn xóa nhà tạm và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ người dân xây nhà mới. Qua hơn 1 năm thực hiện chương trình này, đến nay trên địa bàn xã đã có thêm nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng.
Không riêng gì xã Hồng Kim mà hàng nghìn hộ nghèo là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở các xã miền núi huyện A Lưới như Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Lâm Đớt, thị trấn A Lưới… cũng được tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu đãi của Nhà nước để thực hiện xóa bỏ nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Theo lãnh đạo huyện A Lưới, qua rà soát, đến cuối năm 2023, A Lưới đã giảm 1.914 hộ nghèo, còn lại 3.485 hộ nghèo và 2.253 hộ cận nghèo. Toàn huyện có 11 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 25% và còn 1.752 nhà tạm của người dân cần được hỗ trợ. Từ các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, đến cuối năm 2023, huyện đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa khoảng 2.600 nhà ở cho các hộ dân. A Lưới đang quyết tâm, nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn dưới 12,01% và có khoảng 4.500 đến 5.000 nhà ở được xây mới, sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ngoài thực hiện công tác xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện còn nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án khác như hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng công cộng, hỗ trợ đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS. Đã huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách để tạo thêm nguồn lực giúp đỡ người dân ở các thôn bản đặc biệt khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Đặc biệt huyện A Lưới đã và đang tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó có mô hình chăn nuôi bò, trồng cây dược liệu, trồng chuối già lùn, phát triển du lịch cộng đồng để người dân ở địa phương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.
Để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS ở huyện A Lưới xóa nhà tạm, giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của đồng bào DTTS. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo để phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được lan tỏa sâu rộng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.