Những kỳ tích cứu sống bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 05/09/2021, 07:45

Sau gần 2 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, số ca mắc mới của TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cao, có ngày lên tới hơn 5.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng vì thế mà tăng theo, mỗi ngày TP ghi nhận hơn 200 ca tử vong.

 

Sau một thời gian đưa vào hoạt động, 5 Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh với hơn 1 nghìn bác sĩ, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện tuyến trung ương vào chi viện đã ngày đêm tích cực điều trị, chữa khỏi cho hàng trăm bệnh nhân nguy kịch, hồi sinh cho bao con người bên bờ sinh tử.

hang-loat-benh-nhan-covid-19-nang-tai-tp-hcm-xuat-vien-1.jpg -0
Những bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị khỏi và xuất viện vào ngày 3/9.

Nhiều tín hiệu vui

Những cuộc gọi xin chuyển tuyến, những cú nhấc máy mà bác sĩ chỉ vừa mới “A-lô” thì bên kia đầu dây đã bật khóc nghẹn ngào xin cầu cứu của bệnh nhân…là câu chuyện thường thấy ở các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế ở TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân nặng không ngừng gia tăng, các bệnh viện quá tải, có bệnh nhân chuyển đến nơi đã suy hô hấp, rơi vào hôn mê, cận kề cái chết, hay có những người bệnh đã tử vong trên đường đưa tới bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, trong 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, có nhiều bệnh nhân nặng được xuất viện, nhân lên rất nhiều hy vọng sự sống cho người bệnh ở TP Hồ Chí Minh. Theo chia sẻ của BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – đang điều trị cho bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) - ngày 3/9 Bệnh viện cho xuất viện 18 bệnh nhân lớn tuổi, nguy kịch được chữa khỏi ra viện.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất, nên số bệnh nhân trên 50 tuổi chuyển biến nặng rất nhiều. Đây là đối tượng đòi hỏi cần kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Với sự chăm sóc, theo dõi 24/24 giờ của các bác sĩ và điều dưỡng, nhiều người thở máy, lọc máu đã được cứu sống.

Điển hình là trường hợp thai phụ mắc COVID-19 có nhiều bệnh nền, sau đó chuyển biến nặng nhanh chóng, suy hô hấp phải thở máy. Thai phụ này sau đó hồi sinh ngoạn mục, dần chuyển biến tích cực và khỏi bệnh.

Hay có ca bệnh khi chuyển lên tuyến này thì phổi đã xơ cứng, quét siêu âm thấy xơ hóa toàn bộ. Hoặc có bệnh nhân đến bên “cửa tử” khi mới ngoài 20 tuổi. Tất cả đều được các bác sĩ chạy đua để giành giật sự sống. Theo BS Linh, Bệnh viện hiện đã có gần 800/1.000 giường hoạt động, trong đó có gần 200 bệnh nhân phải thở máy. Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện. Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các bệnh nhân được điều trị khỏi và làm thủ tục xuất viện.

240513899_10158605113398789_3908235225945219412_n_fsaz.jpg -0
Bệnh viện cho xe chở bệnh nhân về tận gia đình.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức ở TP Hồ Chí Minh, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong ngày Tết Độc lập, Trung tâm cho xuất viện 15 bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch điều trị ổn định sức khoẻ trở về đoàn tụ bên gia đình. Trong số đó, nhiều bệnh nhân phải điều trị bằng oxy lưu lượng cao nhưng không đáp ứng, viêm phổi nặng… nhiều bệnh nhân kèm các bệnh lý nền như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu....

Một nữ bệnh nhân 60 tuổi trong ngày xuất viện tâm sự: “Khi hôn mê tỉnh lại tôi mới biết mình sống rồi. Tôi không nghĩ mình vượt qua được sau 20 ngày thở máy. Tôi vô cùng cảm kích các bác sĩ”.

Theo GS Giang, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân COVID-19 được Trung tâm điều trị khỏi bệnh và ra viện lên tới gần 60 người. Ngoài ra, các bệnh nhân khác đã hết triệu chứng sẽ tiếp tục được theo dõi và làm xét nghiệm PCR đánh giá, đủ tiêu chuẩn sẽ được ra viện và cách ly tại nhà theo quy định.

Mới đưa vào hoạt động, song trong tuần qua, Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã cứu sống 21 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có nhiều người được ra viện hoặc chuyển xuống tuyến dưới ở tầng điều trị thấp hơn. Điển hình đã cứu sống ngoạn mục một thai phụ 29 tuần tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy.

Những kỳ tích cứu sống bệnh nhân nguy kịch tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh -0
Các bác sĩ chi viện TP Hồ Chí Minh sẵn sàng ở lại chống dịch đến khi chiến thắng COVID-19 mới trở về.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thai phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu bệnh nhân”.

Các bác sĩ liên tục hội chẩn để níu chút hy vọng mong manh. Và phép màu đã đến, các chức năng sống của sản phụ dần dần hồi phục. Theo chia sẻ của BS Khôi: “Chúng tôi đã nghĩ cô ấy không thể qua khỏi. Đây là kỳ tích đầu tiên của chúng tôi”.

Các bác sĩ không còn khái niệm thời gian

Ngày 2/9, bên trong những Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh không có khái niệm đây là ngày nghỉ lễ Quốc khánh bởi guồng quay công việc quá bận bịu, tiếp nhận bệnh nhân liên tục, đều là các ca bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, việc điều trị rất vất vả và căng thẳng. BS Trần Thanh Linh chia sẻ: “Chúng tôi không biết hôm nay là thứ mấy, không ngày nghỉ, không biết đến cuối tuần, bởi ngày nào cũng vậy”.

Theo chia sẻ của BS Linh, có khi tin nhắn động viên của gia đình, đồng nghiệp cũng không có thời gian đọc. Những đêm trắng với các bác sĩ tuyến đầu nhiều không đêm xuể, người bệnh ngày một tăng, xếp hàng, nối dài triền miên. Bệnh nhân đến với các bác sĩ ở tầng điều trị thứ 3 là họ không còn lựa chọn nào nữa, tất cả mọi hy vọng sống chỉ trông chờ vào bác sĩ. Vì thế, dù nhiều trường hợp rơi vào “thập tử nhất sinh”, nhưng các bác sĩ vẫn kiên trì “còn nước còn tát” ngày đêm bên họ và kỳ tích đã đến.

Tham gia nhiều “trận chiến COVID-19” như tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, nhưng chưa “trận chiến” nào các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai lại thấy khốc liệt như lần này. TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, đảm nhiệm Phó Giám đốc chuyên môn tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nếu hỏi chúng tôi hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, thì quả thật không ai biết…vì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về thời gian nữa. Lúc này, chúng tôi tất cả chỉ có biết “chiến đấu – chiến đấu và hy vọng””.

BS Sơn kể rằng, hệ thống trực chiến của Trung tâm hoạt động 24/7 và tranh thủ luân phiên nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho ca làm việc sau. Ngoài điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, các bác sĩ còn phải trả lời đường dây nóng, các cuộc gọi từ sáng sớm đến tối, thậm chí suốt đêm chưa kết thúc.

Mỗi ca trực, họ phải xử lý hàng trăm ca bệnh nặng từ các tuyến chuyển đến, rồi hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, hộ trợ người dân cách điều chỉnh oxy đang điều trị tại nhà; kết nối cơ sở y tế gần nhất để điều trị cho người bệnh tại cộng đồng; hay cập nhật thông tin về bệnh nhân cho người nhà của họ, giúp họ ổn định tâm lý…

Một ca trực là một “núi” công việc, khi cởi bộ đồ bảo hộ, ai nấy đều ướt sũng như vừa đi từ trong mưa bão ra. Trong gần một tháng đưa vào vận hành, Trung tâm đã cứu sống và điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân nguy kịch. Điển hình vào ngày 1/9, có 7 bệnh nhân rất nặng đã được xuất viện.

Rất nhiều bác sĩ chi viện cho TP Hồ Chí Minh cho biết, vì bệnh nhân, họ sẵn sàng ở lại đến khi chiến thắng COVID-19 mới trở về. Điều truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu trong phòng bệnh chính sự là sự hồi phục của các bệnh nhân nặng.

Trần Hằng
.
.
.