Những ca “ép tim” giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19

Chủ Nhật, 19/09/2021, 16:50

Thời gian qua, tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19  tại Bệnh viện (BV) Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), các y bác sĩ (BS) phải thường xuyên giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19.

Bên trong nhà N4 – một trong những khu điều trị hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 nguy kịch của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19  thuộc BV Hữu nghị Việt Đức đặt tại BV dã chiến số 13 âm thanh thiết bị đo chỉ số sinh tồn của bệnh nhân xen kẽ tiếng bộ đàm vang khắp . Đó là y lệnh tập hợp nhân sự của BS phụ trách khu điều trị được kết nối liên tục để kịp thời xử lý mọi tình huống nhanh nhất.

Những ca “ép tim” giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 -0
Các bác sĩ tập trung cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng nguy kịch.

BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức (BV Việt Đức) cho biết: “Bệnh nhân giường G43 còn rất trẻ, bị COVID-19 trên nền viêm cơ tim cấp, mới nhập viện được một hôm. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn đáp ứng với thở oxy dòng cao HFNC nhưng đến hôm nay diễn biến rất nhanh. Trước khi cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở. Chúng tôi đã nỗ lực cho thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Do đó, chúng tôi phải quyết định đặt ống thở sớm cho bệnh nhân”.

Còn bệnh nhân tại giường G46 điều trị ở đây đã được hơn 10 ngày, tình trạng viêm phổi nặng tăng lên. Do tổn thương phổi cũng đang trên đà xấu đi rất nhanh. Các BS đã cấp cứu thở, nhưng do tổn thương phổi rất nặng nên đáp ứng kém.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của BV Việt Đức có 5 khu nhà điều trị là N4, N5, N6, N7, N8, tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.

Bên trong nhà N4 c có hơn 50 giường bệnh, được chia thành 2 dãy,  bên cạnh được gắn chặt các thiết bị trợ thở, âm thanh phát ra không có điểm nghỉ. Kíp trực của BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có gần 10 thành viên. 2 ca bệnh cùng diễn biến nặng nên phải chia đôi nhân lực để kiểm soát 2 bên. May mắn là đã nội khí quản thành công và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định.

“Bệnh nhân tạm thời ổn định, coi như đã qua được cơn nguy kịch ban đầu nhưng quãng thời gian tới thì tiên lượng khá nặng và vẫn còn phải điều trị rất dài. Về sau cần nhiều công sức hơn nữa”, BS Hạnh chia sẻ.

Theo BS Hạnh, những ngày qua thường xuyên có những tình huống một vài ca bệnh cùng lúc trở nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào, nên các y bác sĩ trực nào cũng phải trong tâm thế sẵn càng cấp cứu.

Nguyễn Cảnh
.
.
.