Nhiều khó khăn trong xử lý xe hợp đồng vận tải khách trá hình

Thứ Ba, 19/12/2023, 05:40

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức chiều 18/12, phía Sở GTVT Hà Nội thông tin, hiện đơn vị đang quản lý cấp phù hiệu gần 40.000 xe hợp đồng, loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ khoảng 20.000 xe, còn lại các xe trên 9 chỗ.

Trong đó, xe trên 9 chỗ vận chuyển học sinh có khoảng 2.000 xe, số còn lại là hợp đồng theo chuyến. Tuy nhiên, vẫn có những xe đang lách luật, đi gom khách, vận chuyển tương tự tuyến cố định. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc thu thuế của nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, ảnh hưởng tới quy hoạch, đặc biệt khi xe trá hình vào đón từng khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, TNGT ở đô thị. Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ, xe hợp đồng hay còn gọi là xe Limousine phát triển số lượng áp đảo xe tuyến cố định.

csgt.jpeg -0
Lực lượng CSGT - Công an TP Hà Nội tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe khách chạy sai hành trình.

Ông Thống thông tin thêm, trong năm 2023, các sở GTVT trên cả nước đã thu hồi trên 40.000 phương tiện vi phạm tốc độ, chấn chỉnh gần 500.000 phương tiện vi phạm về tốc độ, quá thời gian lái xe, vi phạm về không truyền dữ liệu. Từ tháng 10/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển cho CSGT 63 tài khoản truy cập vào hệ dữ liệu giám sát hành trình để các phòng CSGT xử lý vi phạm. "Trong quá trình này, khó khăn nhất là việc phát hiện xe kinh doanh vận tải hợp đồng trá hình", ông Thống thừa nhận.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc xác định xe hợp đồng vi phạm để xử lý của lực lượng chức năng, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT TP Hà Nội đã xử lý hơn 12.000 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải khách. Trong đó, xử lý hơn 7.000 trường hợp xe khách vi phạm, xe hợp đồng là hơn 2.000 trường hợp, taxi hơn 3.000 trường hợp. Còn lại là xe buýt và các loại xe khác, tước GPLX gần 1.500 trường hợp. Để xử lý các trường hợp xe hợp đồng trá hình, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe mới lật tẩy được chiêu trò.

Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh. Đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần. Về hệ thống camera giám sát, Hà Nội cũng được trang bị từ rất sớm, song còn hạn chế. Hệ thống camera chủ yếu tập trung các tuyến chính, đường vành đai, nhiều tuyến nhánh, khu đất trống của dự án chưa thi công không có camera. Đây là các địa điểm phương tiện xe hợp đồng trá hình lợi dụng đón - trả khách.

Chưa kể, ngay cả trên các tuyến đường trọng điểm có hệ thống giám sát, nhà xe vẫn lợi dụng các điểm mở, đỗ ngay dưới chân hệ thống giám sát là "điểm mù", các khu vực cây cối um tùm để che chắn hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị kinh doanh cũng sử dụng đội ngũ cộng tác viên hay còn gọi là "cò" theo dõi lực lượng chức năng để thông tin cho nhà xe, hành khách những vị trí đón. Ngoài ra, việc khai thác dữ liệu từ giám sát hành trình phục vụ xử phạt hiện vẫn rất thủ công. Hệ thống này có lượng truy cập rất lớn, không chỉ là ngành GTVT, Cục CSGT mà còn có cả lực lượng Công an địa phương.

Thực tế này đặt ra yêu cầu, tới đây, cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng đường truyền, giúp lực lượng chức năng thuận lợi khi truy cập lấy dữ liệu làm cơ sở xử phạt. Để tăng cường biện pháp xử lý xe hợp đồng trá hình, thời gian tới, lực lượng CSGT - Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát; tích cực phối hợp đơn vị chức năng phát hiện, xử nghiêm các trường hợp xe chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát, bảo đảm hiệu quả xử lý cao nhất.

Đóng góp thêm ý kiến, Đại úy Nguyễn Văn Tứ, Phó đội trưởng Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt, Cục CSGT đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện việc phối hợp trong công tác xử lý có hiệu quả dữ liệu từ giám sát hành trình. "Chúng tôi mong các đơn vị phối hợp hợp với phòng CSGT để chia sẻ dữ liệu", Đại úy Nguyễn Văn Tứ nói. Bởi hiện nay ngoài các đơn vị chức năng trực tiếp phát hiện và xử lý các vi phạm, ta còn có công cụ khác là thông qua dữ liệu của các đơn vị và người dân cung cấp cho lực lượng chức năng. Vì thế, các đơn vị quản lý các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải cần phối hợp chia sẻ dữ liệu kịp thời để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Đặng Nhật
.
.
.