Nhiều cuộc đời được tái sinh

Thứ Tư, 28/02/2024, 06:50

Cuộc gặp gỡ và tri ân đầy xúc động vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam của những bệnh nhân được ghép phổi với các y bác sĩ thật xúc động. Hồi sinh bên cửa tử, nhiều cuộc đời sau khi tái sinh đã có cuộc sống mới, nhưng sâu thẳm trong trái tim, họ luôn biết ơn và trân quý những thầy thuốc đã cứu tính mạng của mình trong lúc nguy nan, trân trọng và cảm ơn sâu sắc thân nhân người hiến tạng, đã cho họ một cuộc đời mới kỳ diệu.

Nối dài sự sống

Gần 20 ngày ghép 2 phổi, cô gái 21 tuổi P.A.T (Bắc Kạn) được ra khỏi phòng hậu phẫu, đi những bước chân vững vàng, khoẻ mạnh không cần hỗ trợ. Cùng với nam bệnh nhân N.X.T (56 tuổi, Thanh Hoá) đã ghép 2 phổi cách đây 4 năm, cô đã đến tri ân các thầy thuốc đã dành tặng cho họ cuộc đời thứ hai. Cô gái chuẩn bị cho ngày xuất viện trở về với cuộc sống đời thường, nhưng đối với cô và gia đình thì đây chính là bắt đầu một cuộc đời mới. Bởi nhiều năm qua, kể từ khi phát hiện mắc bệnh phổi đục lỗ hiếm gặp, cô đã phải tạm dừng việc học vốn yêu thích là công nghệ thông tin ở trường đại học để bước vào cuộc chiến sinh - tử, thoi thóp bên chiếc bình oxy và thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng.

ghe´p pho^-i.jpeg -0
Hai bệnh nhân ghép phổi (đứng thứ 3 và thứ 5 từ trái sang) tri ân các bác sĩ đã cho cuộc đời họ được hồi sinh.

Tôi gặp mẹ cô gái vào ngày họp báo ca ghép hai phổi thành công cách đây chưa lâu, bà đã bật khóc kể: “Từ năm 2016 con đã bị mổ cắt bán phần thận và năm 2020 mổ tràn khí màng phổi 2 bên, sau đó tình trạng khó thở tăng dần. Con gắn liền với bình oxy 24/24h, mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Mỗi lần đi làm về tôi đều gọi tên con, chỉ trông chờ tiếng trả lời của con, tôi sợ một ngày nào đó con tuột khỏi vòng tay, sợ điều xấu nhất xảy ra, sợ con ra đi. Nằm trong danh sách chờ ghép phổi nhưng gia đình không hy vọng nhiều vì nguồn tạng từ người cho chết não rất hiếm hoi”.

Nhưng thật kỳ diệu, món quà tuyệt vời đã đến vào đêm 29 Tết, cô gái nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo có người hiến tạng và cô là 1 trong 3 người chờ ghép phổi được lựa chọn. Òa khóc vì hạnh phúc, cô giục mẹ nhanh chóng gói ghém hành lý, liên hệ xe cấp cứu để xuống Hà Nội. Trưa 30 Tết, nữ sinh viên được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành cùng êkip 80 thầy thuốc của Bệnh viện Phổi Trung ương cùng GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Đại học Y Dược (ĐHQGHN), TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E thực hiện ca ghép 2 phổi kéo dài 12h. Đây là ca ghép đi vào lịch sử, giúp cô gái hồi sinh ngoạn mục.

Nước mắt lăn trên má, nữ sinh viên P.A.T xúc động chia sẻ: “Em không nghĩ cuộc đời mình còn được hồi sinh, đây là cơ may cực kỳ lớn với em, bởi có rất nhiều người cùng bị bệnh phổi giai đoạn cuối như mình chưa được ghép tạng. Có được món quà tuyệt vời từ nam thanh niên 26 tuổi em chưa biết tên, em sẽ trân trọng và nâng niu sinh mạng của mình, cũng như tri ân những người đã cho em cuộc sống mới”. Nữ sinh viên cho biết, khi khoẻ trở lại và xuất viện, cô sẽ tập phục hồi chức năng thật tốt để có thể trở lại trường học trong thời gian sớm nhất.

Được nhận hai lá phổi từ người cho chết não cách đây 4 năm, ông N.X.T luôn biết ơn nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng, luôn trân trọng mỗi ngày trôi qua khi mình được sống. Ông là một trong số ít người ghép phổi sống khoẻ mạnh sau ghép tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết: Đến nay, Việt Nam thực hiện được 10 ca ghép phổi. Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng hiện nay, điều trị hậu phẫu sau ghép cũng khó khăn hơn rất nhiều so với các tạng khác như tim, gan, thận… Phổi ngoài chức năng hô hấp thì chức năng chuyển hoá và miễn dịch cũng rất mạnh, do vậy phải ứng thải ghép cũng rất mạnh mẽ, nguy cơ nhiễm trùng lớn. Tuy nhiên, từ thành công của các ca ghép phổi đã nhân lên rất nhiều hy vọng sống cho người bệnh.

Cần có quy hoạch chi tiết sâu về ghép tạng

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong số bệnh viện ghép phổi thành công nhiều nhất hiện nay. Có 2 bệnh nhân ghép phổi, một người được hơn 4 năm và một người hơn 5 năm hiện vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, khó khăn nhất của ghép phổi không phải là kỹ thuật, mà nguồn tạng hiến bởi cơ hội có tạng để ghép từ người cho chết não là vô cùng ít ỏi. Theo TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chỉ 20% số người chết não có thể hiến phổi đủ tiêu chuẩn để ghép. Bởi khi vào cấp cứu và quá trình điều trị hồi sức tích cực, phổi của người bệnh dễ bị nhiễm trùng, tổn thương và “hỏng”, khi gia đình đồng ý hiến tạng người bệnh chết não, phổi thường không sử dụng để ghép được nữa. Mặt khác, phổi là một tạng lớn chiếm hầu hết khoang ngực, nên phẫu thuật ghép sẽ phải thực hiện đường mổ rất lớn gây đau đớn nhiều, cản trở cho quá trình phục hồi và dẫn đến các biến chứng nếu bệnh nhân không thể vận động sớm sau mổ… Theo chia sẻ của TS.BS Phạm Tiến Quân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một ca ghép phổi khó bằng 10 ca ghép tim, người nhận thường rất nặng nên sau ghép hay gặp tất cả các biến chứng của ghép tạng, vì vậy chăm sóc hậu phẫu là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

Nhiều cuộc đời được tái sinh -0
Ca ghép 2 phổi vào chiều 30 Tết đã cứu sống cô gái 21 tuổi.

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 7.600 ca ghép tạng, điều này đồng nghĩa với việc từng đó con người được nối dài sự sống. Năm 2023 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của những kỹ thuật đỉnh cao trong ghép tạng tại Việt Nam với nhiều ca ghép thành công được đánh giá là lịch sử.

GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Đại học Y Dược (ĐHQGHN) chia sẻ: Bác sĩ chỉ cần thêm chút niềm tin về khả năng chuyên môn, sự đồng lòng của các đơn vị liên quan và đặc biệt là mong ước, kỳ vọng, tin tưởng của bệnh nhân và gia đình người bệnh, đôi lúc cũng chỉ cần động tác “thêm” ấy từ bác sĩ, cộng hưởng với sự may mắn của bệnh nhân, sẽ làm nên một sự sống. Việc bệnh nhân 21 tuổi ở Bắc Kạn ghép phổi thành công cũng là sự may mắn khi cô được “gặp thầy, gặp thuốc”.

Theo Giám đốc Đại học Y Dược, trong thời gian tới, nền y học nước nhà không cần “trăm hoa đua nở” mà cần có quy hoạch cụ thể, tập trung đầu tư chuyên sâu cho từng lĩnh vực cả về kỹ thuật, cơ sở vật chất, hạ tầng, con người, sự phối hợp giữa các chuyên gia giỏi tại các chuyên khoa khác nhau. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo để Việt Nam có quy hoạch chi tiết sâu về lĩnh vực ghép tạng ở từng cơ sở y tế để đảm bảo tỷ lệ thành công, chất lượng cuộc sống sau ghép và tránh lãng phí nguồn lực tài chính, nhân lực.

Trần Hằng
.
.
.