Nhiều cầu ở Thừa Thiên Huế đi qua mà… run
Vụ việc sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ làm phương tiện rơi xuống sống, nhiều người chết, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cầu yếu, cầu xuống cấp gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, dù được duy tu, sửa chữa thường xuyên nhưng hiện có một số cây cầu xuống cấp, hư hỏng sau hàng chục năm sử dụng khiến người dân bất an, lo lắng khi lưu thông qua những cây cầu này.
Cồn Hến thuộc phường Vỹ Dạ, TP Huế nằm giữa sông Hương hiện có 3 tổ dân phố với 1.017 hộ dân (4.104 nhân khẩu) sinh sống. Từ năm 1965, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng cầu Phú Lưu để nối “ốc đảo” Cồn Hến với tuyến đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế. Theo phản ánh của người dân địa phương, cầu Phú Lưu có trụ bằng bê tông, đà ngang bằng gỗ sau được thay bằng thép, mặt cầu tráng bê tông nhựa hiện đã xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục sau gần 60 năm xây dựng. Do chiều rộng mặt cầu chỉ hơn 3m nên hằng ngày, việc lưu thông của người dân, học sinh và phương tiện chở khách du lịch từ TP Huế về Cồn Hến gặp khó khăn, trở ngại, thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông trên cầu này.
Ông Nguyễn Viết Anh có nhà ở Cồn Hến mỗi ngày chở con đi qua cầu Phú Lưu để đến trường học không giấu được sự lo lắng, bất an. Ông Anh cho biết, do xuống cấp nên cầu Phú Lưu đã từng 2 lần bị sập phần móng ở phía đầu cầu nhưng rất may không gây thiệt hại về người. Có thời gian dài, cơ quan chức năng chỉ cho phép xe thô sơ, người đi bộ lưu thông qua cầu. Cầu yếu nên các phương tiện như xe tải, xe khách, xe có tải trọng lớn cấm lưu thông qua cầu gây ảnh hưởng đến cuộc sống và phát triển kinh tế ở khu vực Cồn Hến. “Mỗi lần đi qua cầu Phú Lưu, tôi và người dân ở Cồn Hến rất lo, nhất là từ khi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ làm nhiều người chết. Do đó chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp sửa chữa, xây cầu mới để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Anh nói.
Ông Trần Viết Trung, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp kinh phí gần 5 tỷ đồng để sửa chữa cầu Phú Lưu. Tuy nhiên hiện nay cầu Phú Lưu tiếp tục xuống cấp, không đảm bảo an toàn lưu thông. Vào mùa mưa bão, mực nước sông Hương dâng cao, cầu Phú Lưu cấm lưu thông khiến khu vực Cồn Hến bị cô lập, gây khó khăn trong việc ứng cứu người dân khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Mới đây kết quả kiểm tra chất lượng hiện trạng cầu Phú Lưu của Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) cho thấy hiện cây cầu này có một số hư hỏng, mố trụ cầu nhiều nơi lộ cả sắt thép bên trong, nhiều thanh đà hoen gỉ, không đảm bảo trọng tải cầu 5,5 tấn như sửa chữa nâng cấp vào năm 2020. “UBND phường đã có văn bản đề xuất UBND TP Huế cấm các loại phương tiện có trọng tải 1,5 tấn và cấm xe khách trên 9 chỗ qua cầu Phú Lưu. Đồng thời kiến nghị với UBND TP Huế mời đơn vị chuyên ngành khảo sát toàn bộ cầu Phú Lưu và có kế hoạch đầu tư xây dựng mới theo nguyện vọng của nhân dân khu vực Cồn Hến để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua cầu”, ông Trần Viết Trung thông tin.
Tương tự, cầu Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là cầu treo dây cáp dài gần 140m, bề mặt rộng hơn 4m được xây dựng, đưa vào sử dụng từ giữa năm 2001. Cầu nằm trên tỉnh lộ 12D nối trung tâm xã Bình Thành với QL49A. Do mật độ phương tiện qua cầu ngày càng lớn, đặc biệt là phương tiện xe tải chở gỗ keo tràm, nông sản khiến cầu bị xuống cấp, hư hỏng. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Hòa Cát, xã Bình Thành cho biết, từ khi có cầu treo Bình Thành, giao thông đi lại, buôn bán hàng hóa của người dân địa phương trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên mỗi lần có xe tải qua cầu thì cầu bị rung lắc mạnh nên người dân rất lo lắng. Trong khi dây cáp treo đã bị hoen gỉ, mố cầu xuống cấp. Để đảm bảo an toàn, nhiều phương tiện xe tải khi qua cầu buộc phải hạ tải trước khi đi qua làm ách tắc giao thông, gây bất tiện cho tài xế.
Ông Hồ Chí Thịnh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành đánh giá, cầu treo Bình Thành xuống cấp, bằng mắt thường có thể thấy cầu bị hư hỏng các hạng mục và nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều lần xã đề xuất giải pháp nâng cấp, sửa chữa cầu Bình Thành nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Để đảm bảo an toàn, hiện địa phương phải phân công cắt cử người trực tại 2 đầu cầu để đảm bảo tuyệt đối không cho xe tải có tải trọng lớn đi qua cầu.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Giám đốc Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo trì cầu Bình Thành cho biết do cây cầu này xây dựng đã lâu, quy mô thiết kế cầu treo bằng sắt, không phải công trình bê tông cốt thép kiên cố vĩnh cửu nên theo thời gian cầu bị xuống cấp là tất yếu. “Hằng năm đơn vị đều có kế hoạch đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình cầu Bình Thành để dự toán kinh phí theo dõi bảo trì, sơn quét chống hoen gỉ các hạng mục mố cầu, hệ thống dầm, ốc vít, cải tạo mặt cầu. Gần đây đơn vị đã làm hệ thống chỉ dẫn từ đầu cầu để khuyến cáo cầu chịu được trọng tải 8 tấn so với 13-18 tấn như thiết kế ban đầu”, ông Luyện cho hay.
Trước thực trạng nhiều cây cầu trên địa bàn tỉnh xuống cấp, hư hỏng, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu do tỉnh quản lý, đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm. Đến nay đã tổ chức kiểm tra tổng thể về mức độ an toàn các cầu Phú Lưu, Phú Xuân, Trường Tiền bắc qua sông Hương, TP Huế. Qua công tác kiểm tra, đánh giá kết cấu móng, trụ cầu và các hạng mục công trình dưới nước bị ảnh hưởng do dòng chảy, xói lở, biến đổi địa chất, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua các cầu này.