Nhiều cách làm hay để người dân tự nguyện tham gia BHXH
Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, hướng tới “Bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân”, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Từ 1 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tới 20% mức đóng hàng tháng.
Hỗ trợ trực tiếp người đóng BHXH bằng ngân sách của tỉnh
Với đặc thù là tỉnh có địa bàn đồi núi, biển đảo phức tạp, với nền kinh tế đa dạng, ngoài sản xuất kinh doanh than thì các ngành du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, đánh bắt thủy sản cũng chiếm tỷ lệ lao động lớn, các loại hình này rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu sử dụng lao động mang tính chất gia đình, lao động đã nghỉ hưu nên Quảng Ninh rất khó phát triển người tham gia BHXH. Nhằm đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, giúp người lao động có thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, Quảng Ninh luôn khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài những chính sách phủ rộng bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn bằng cách nâng mức hỗ trợ cao hơn tới 50% so với mức hỗ trợ của Trung ương đóng BHYT cho người thuộc gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi không có lương hưu trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHXH, BHYT, BHTN cho hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, người làm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục...Quảng Ninh còn đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội lâu dài. Tỉnh áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện. HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đóng tiền BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2023-2027.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, khi tham gia BHXH tự nguyện, cùng với chính sách chung, sau khi có thêm hỗ trợ của tỉnh, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 50%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 45%; các đối tượng khác được hỗ trợ 30% mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng theo từng thời kỳ. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh trong 5 năm là khoảng 180 tỷ đồng.
BHXH tỉnh còn tập trung truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đổi mới phương pháp truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền, địa bàn dân cư; phối hợp với Sở Lao động TBXH, Liên đoàn lao động và các đơn vị liên quan tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và giải đáp vướng mắc về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp với UBND xã phường, tổ dân, khu phố triển khai mô hình tuyên truyền theo nhóm nhỏ, trực tiếp đến từng tổ dân phố tuyên truyền chế độ, chính sách…
Những “cánh tay nối dài” của ngành bảo hiểm
Một trong những cách làm mới, rất hiệu quả mà ngành BHXH tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thực hiện là phối hợp với UBND xã phường, tổ dân, khu phố triển khai mô hình tuyên truyền theo nhóm nhỏ.
Khác với nhiều địa phương trong cả nước đi từng nhà, mời từng người dân tham gia, BHXH Quảng Ninh phối hợp với ngành Bưu điện đi mời từng xóm trưởng, khu trưởng dân phố-những người được coi là có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, đặc biệt ở những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Truyền (62 tuổi, Bí thư, Khu trưởng khu 5, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, rất cần có những buổi tuyên truyền cụ thể thì người dân mới hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH. “Bà con ở đây chủ yếu là công nhân, do công ty bị giải thể nên giờ không có chế độ, tầm tuổi giờ đa số trên dưới 60 tuổi rồi nên việc tham gia BHXH cũng khó khăn, nhưng gần đây chính sách có những thay đổi, Đảng, Nhà nước quan tâm tới người dân, được sự tuyên truyền, giải thích của cán bộ BHXH nên bà con đã hiểu, rất phấn khởi và có người gần 70 tuổi cũng đã tham gia BHXH”-ông Truyền cho biết.
Còn ông Vũ Đức Vịnh (75 tuổi, ở tổ 4 Khu 5, phường Giếng Đáy), đã có gần 20 năm làm tổ trưởng dân phố cho biết, hiểu rằng không có BHXH thì không có chế độ, không có lương hưu, hết sức khoẻ thì nghỉ nên mới đây, vợ ông cũng đã tham gia. “Không có món quà nào thiết thực như sổ BHXH. Mỗi tháng đến ngày lĩnh lương hưu cũng coi như có cơ hội gặp bạn cũ, giao lưu rất vui vẻ”-ông Vịnh bày tỏ.
Theo anh Vũ Đức Trọng, Tổ trưởng khu 4, việc tuyên truyền tới tận người dân về những chính sách BHXH rất quan trọng, bởi có hiểu rõ được những quyền lợi của mình, họ mới tham gia. Ví dụ như trước đây, vì không hiểu, nhiều người dân nghĩ bảo hiểm là lừa đảo, đa cấp này kia, lợi dụng bảo hiểm để lừa đảo, nên họ không mặn mà. Rồi những người đã 70-75 tuổi cũng sẽ không tham gia vì nghĩ không kịp hưởng lương hưu, nhưng giờ khi hiểu ra, dù có thể không kịp hưởng, nhưng nếu đóng liên tục 5 năm, họ vẫn được trợ cấp mai táng phí và tiền tuất thì số tiền người thân được nhận có khi còn gấp đôi số tiền họ đã đóng.
Cũng chính vì hiểu chính sách mới của BHXH khi tham gia phối hợp tuyên truyền với ngành Bảo hiểm, chị Vũ Thị Thu Giang, Trưởng bưu cục Kim Đồng, Bưu điện TP Hạ Long, Quảng Ninh đã trở thành nhân viên xuất sắc nhất tỉnh trong chiến dịch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vừa qua. “Công việc của tôi là phát lương hưu hàng tháng nên tôi rất hiểu. Có những người hoàn cảnh rất khó khăn, không nơi nương tựa, một thân một mình rất vất vả, nếu có lương hưu sẽ đỡ khổ. Vì vậy, khi giúp được họ có “chiếc phao an sinh” lúc tuổi già, tôi thấy rất vui và có động lực. Chỉ cần mỗi tháng bỏ ra 200.000 đồng thôi, già mình được nhà nước quan tâm, họ cũng yên tâm”-chị Giang cho biết.
Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, đến nay, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đảng viên và quần chúng nhân dân có những chuyển biến mạnh mẽ, các đơn vị, doanh nghiệp cơ bản đã có ý thức tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định.
Theo BHXH tỉnh, ngành phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến hết năm 2027 là 60.000 người.