Nguyên nhân xảy ra nhiều vụ sạt lở đất làm 9 người chết ở Lâm Đồng
Ngày 4/8, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công bố nguyên nhân khiến mùa mưa năm nay tại tỉnh này diễn biến bất thường, phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Từ đầu mùa mưa tới nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất... Hậu quả làm 9 người tử vong, 4 người bị thương, hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà…
Đặc biệt, trong tháng 6 và 7/2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài, chỉ tính riêng ngày 29 và 30/7, lượng mưa tại đèo Bảo Lộc đạt 196mm. Một số nơi khác ở huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc đạt từ 100mm - 190mm... Lượng nước quá nhiều, không kịp ngấm thoát đã làm nền đất yếu, gây ra một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 17/6 xảy ra 2 điểm sạt lở đất tại TP Đà Lạt làm 2 người chết và 1 điểm sạt lở bờ taluy tại TP Bảo Lộc làm 1 người tử vong, 1 bị thương, hư hỏng một số tài sản. Ngày 29/6, xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn TP Đà Lạt làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương, làm sập và hư hại hoàn toàn 3 căn biệt thự, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần…
Đặc biệt, ngày 30/7 vừa qua, xảy ra một số điểm sạt lở đất, ngã đổ cây rừng tại đèo Bảo Lộc, vùi lấp một phần Chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Hậu quả làm 3 cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng và 1 người dân hy sinh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở đất trên địa bàn là do mưa lớn, tập trung dồn vào một thời điểm ngắn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, một số thời điểm lượng mưa tại TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc rất cao (tháng 6 và tháng 7), đạt từ 100mm-190mm/ngày. Mưa quá lớn đã làm nền đất bị yếu, là nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Bên cạnh đó, diện tích đất tự nhiên của Lâm Đồng khoảng 977.219ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200m-1.500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa... đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài.
Ngoài ra, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, một số địa phương chưa kịp thời rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.