Nguy cơ từ người về từ vùng dịch không khai báo, lọt cách ly
Trong nửa tháng qua, nhiều địa phương ở miền Bắc có số ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng cao, trở thành vùng vàng theo tiêu chí đánh giá cấp độ dịch ở quy mô tỉnh.
Tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam được đánh giá là phức tạp, trong đó có tỉnh có hơn 20 ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Tại Hà Nội, người về từ các vùng dịch xét nghiệm dương tính vẫn tiếp tục tăng. Quản lý người từ vùng dịch về như thế nào và ý thức của người dân ra sao nếu cố tình ra ngoài, tụ tập, tiếp xúc trong thời gian đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà.
Nhiều ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây
Từ khi có “làn sóng” người về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc đã qua 14 ngày không xuất hiện ca mắc mới thì đã có dịch, kích hoạt các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến để cho người dân cách ly và điều trị.
Tại tỉnh Phú Thọ, sau khi phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên chưa rõ nguồn lây ở huyện Lâm Thao vào ngày 13/10, tính đến sáng 21/10, tỉnh này đã phát hiện 23 ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây, có 195 ca mắc COVID-19 tại Việt Trì (141 ca tại 13 xã, phường); thị xã Phú Thọ (2 ca); huyện Lâm Thao (33 ca tại 8 xã, thị trấn); Phù Ninh (18 ca tại 4 xã, thị trấn) và Tam Nông (1 ca). Toàn tỉnh này hiện tại có 1.500 F1; 5.479 F2 và 5.441 F3 đang được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.
Trước đó, có nhiều lo ngại dịch COVID-19 sẽ lan vào khu công nghiệp ở Phú Thọ và điều này đã xảy ra. Hiện đã ghi nhận 31 F0 là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân như tại Công ty YAKJIN Việt Nam, Công ty KSA, Công ty TNHH công nghệ Namuga, Công ty Gemywood, Công ty TNHH TJB Vina... Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm mạnh và rộng là rất cao nếu không có biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch.
Để hạn chế dịch lây lan vào Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các công ty tạm dừng hoạt động các phân xưởng, bộ phận có công nhân là F0 để rà soát, truy vết những người tiếp xúc gần. Theo Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc, ngành Y tế đang củng cố Đơn nguyên Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “bệnh viện tách đôi” vừa khám chữa bệnh thông thường và điều trị F0.
Xuất phát từ chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dịch COVID-19 lan rộng vào trường học tại Bắc Ninh. Ngày 19 và 20/10, trên địa bàn huyện Quế Võ ghi nhận chùm 11 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng liên quan đến các ca bệnh tại Trường Mầm non Sao Mai, TP Bắc Ninh. Đây là địa bàn có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện 26 ca dương tính, trong đó có nhiều trẻ em.
Theo huyện Quế Võ, đây là ổ dịch có nguy cơ cao, phức tạp, bước đầu xác định liên quan đến nhiều người và học sinh tại các trường học ở thị trấn Phố Mới, xã Phù Lãng, xã Châu Phong (huyện Quế Võ). Do đó, huyện tận dụng "thời gian vàng" triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tương tự, tại Nam Định cũng xuất hiện ổ dịch gồm 22 ca F0 chưa rõ nguồn lây ở huyện Ý Yên. Xuất hiện ổ dịch sớm hơn ở các địa phương trên, sau khi có ca F0 ở xã Phù Vân, TP Phủ Lý vào ngày 19/9, đến nay Hà Nam đã ghi nhận 799 ca nhiễm COVID-19. Hiện nay, Hà Nam vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới, có ngày lên tới 31 F0. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam, tình hình dịch bệnh trong hơn 1 tháng qua diễn biến phức tạp, khó lường, lây lan nhanh, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội.
Nguy hiểm người về từ vùng dịch lọt kiểm soát
Theo CDC tỉnh Sơn La, tỉnh vừa phát hiện 1 trường hợp F0 là công nhân về từ vùng dịch Bình Dương nhưng không trực tiếp khai báo tại chốt kiểm dịch vào tỉnh. Trường hợp này đi tàu hỏa từ Bình Dương về Hà Nội vào lúc 6h30 sáng 19/10, được em đón về Sơn La bằng xe ôtô cá nhân. Trên đường về nhóm người này có dừng nghỉ ăn sáng ở Cao Phong, Hòa Bình. Khi đi qua chốt kiểm soát Vân Hồ (Sơn La), em trai bệnh nhân xuống khai báo, nhưng không khai anh trai đi từ vùng dịch về. Đến TP Sơn La, người này đến Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống làm test nhanh kháng nguyên cho kết quả nghi ngờ, làm lại xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính. Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống phải phong tỏa toàn bộ Khoa Khám bệnh, truy vết 16 F1, 61 F2 (có 36 người ngoài cộng đồng).
Trước đó, tại Hà Nội cũng có trường hợp đi từ vùng dịch phía Nam về phải cách ly tại nhà. Tuy nhiên, người này đã không tuân thủ mà ra ngoài đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trong thời gian đang theo dõi sức khỏe. Khi người này xét nghiệm dương tính, ngành Y tế Hà Nội phải rất vất vả trong việc truy vết, khoanh vùng, cách ly và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
Hà Nội liên tục phát hiện ca dương tính về từ vùng dịch phía Nam, trong đó đã có các F1 trở thành F0. Trước đó, TP quyết định cho phép người đi từ TP Hồ Chí Minh ra Thủ đô không phải cách ly tập trung, được cách ly tại nhà nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ. Nguy hiểm từ người cách ly ở nhà lọt ra ngoài cũng như người về từ vùng dịch trốn khai báo là rất lớn. Theo đại diện CDC Hà Nội, người cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà giao cho chính quyền địa phương và y tế địa phương giám sát, quản lý. Những người này không tuân thủ, lọt ra ngoài thì người giám sát phải chịu trách nhiệm.
Với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh và mạnh, Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế các địa phương xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định… mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân COVID-19, thực hiện cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.
Theo báo cáo sơ bộ từ ngày 1/10 đến ngày 10/10, 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó 1.031 người xét nghiệm dương tính. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch từ người di cư về địa phương nếu không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly, bởi chúng ta đã có nhiều bài học về lây lan dịch ra cộng đồng từ người về từ vùng dịch.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ được số lượng người về, không để lọt trường hợp nào về mà không biết. Những người cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà phải tiến hành xét nghiệm theo quy định, hướng dẫn họ thực hiện 5K. Khi cách ly tại nhà phải có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và y tế địa phương, không để trong thời gian cách ly họ lọt ra ngoài, điều này rất nguy hiểm khi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.