Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng tại các hồ chứa miền Bắc

Thứ Sáu, 08/10/2021, 15:48

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trong 3 tháng cuối năm 2021, các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm; đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60-80%, nguy cơ thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản gửi các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và những đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp cấp bách giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo Bộ TN&MT, năm 2021 không xuất hiện lũ lớn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, mặc dù các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đã chủ động vận hành, ưu tiên việc tích nước ở thời điểm cuối mùa lũ, đầu mùa cạn. Tuy nhiên hiện nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, tổng lượng nước tích được của các hồ chỉ đạt 30% đến 65% so với trung bình nhiều năm.

thuy-dien-lai-chau-dang-mo-3-cua-xa-lu-35-.5581.jpg -0
 Các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ nhiều khả năng thiếu hụt từ 30-50% lượng nước so với trung bình nhiều năm.

Bộ TN&MT nhận định, khả năng nguồn nước trong 3 tháng cuối năm 2021, các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60-80%, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên lưu vực sông Hồng, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng trong mùa cạn năm 2021-2022, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Bộ TN&MT đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia có phương án điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Chát và Huội Quảng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ điện nêu trên lập kế hoạch tích nước, xả nước để nâng dần mực nước các hồ, bảo đảm cân đối nguồn nước và ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du từ nay đến cuối mùa hạ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022. Hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.

UBND các tỉnh, TP liên quan chỉ đạo, quản lý lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước.

UBND tỉnh Hoà Bình và TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý các vấn đề liên quan đến việc cải tạo, nâng cao năng lực lấy nước của Nhà máy nước sông Đà, giảm áp lực cấp nước đối với hệ thống hồ chứa trên sông Đà, đặc biệt là hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du trong các tháng còn lại của mùa cạn.

Các đơn vị quản lý và vận hành hồ chứa Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng và Bản Chát, trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch huy động điện của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia và kế hoạch lấy nước ở hạ du, lập kế hoạch điều chỉnh phương án điều tiết nước phù hợp.

T.Linh
.
.
.