Nguy cơ hỏa hoạn tại các nhà trọ, chung cư, căn hộ cho thuê tại Đà Nẵng
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Chỉ tính riêng từ ngày 30/9 đến 23/10, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra 4 vụ cháy trong khu dân cư, làm chết 3 người. Kết quả đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC của Công an TP Đà Nẵng đối với chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở tập thể, căn hộ cho thuê… từ đầu tháng 10/2023 đến nay đã cho thấy nhiều thiếu sót, hạn chế và sai phạm về PCCC khiến nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, kèm theo hậu quả khó lường.
Thấp thỏm nỗi lo từ quận trung tâm
Theo Trung tá Lê Văn Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hải Châu - quận trung tâm nhất của TP Đà Nẵng, kết quả kiểm tra các cơ sở trên địa bàn quận bước đầu đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến công tác PCCC và bất cập trong quản lý xây dựng. Trong đó, rất nhiều nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi công năng thành nhà trọ một cách tự phát, không đăng ký giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh vượt số phòng theo giấy phép. Một số nhà trọ nằm sâu trong kiệt hẻm, không đáp ứng quy định về đường giao thông chữa cháy nên xe chữa cháy khó có thể tiếp cận để xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra. Nhiều nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn…
Được biết, do có đến hơn 1.600 cơ sở thuộc diện kiểm tra đợt này, nên Công an quận Hải Châu phải thành lập thêm các tổ công tác để hoàn thành việc kiểm tra vào thời điểm 30/10 theo kế hoạch. Đến nay, các tổ liên ngành do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phụ trách, đã tiến hành kiểm tra, đồng thời tuyên truyền trực tiếp kiến thức PCCC tại hơn 700 cơ sở là nhà trọ, chung cư, nhà ở xã hội, căn hộ cho thuê.
Đối với loại hình nhà trọ, quận đã kiểm tra 660 cơ sở thì 100% công trình sử dụng sai công năng so với giấy phép xây dựng, chủ yếu là chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ sang nhà cho thuê trọ hoặc nhà ở kết hợp cho thuê trọ. Trong đó, 48 công trình sai phép xây dựng và 1 công trình không được cấp phép xây dựng. Đáng nói, một số công trình chủ cơ sở viện nhiều lý do để không xuất trình giấy phép xây dựng. Nhiều cơ sở có quy mô số tầng, số phòng lớn, mật độ người ở đông, lối thoát nạn không đảm bảo theo quy định, ngăn cháy lan, ngăn khói không đảm bảo theo quy định. Đây cũng là những cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao và nếu xảy ra cháy, nổ tại cơ sở này thì thiệt hại về người là khó tránh khỏi.
"Vẫn chưa có quy định phân loại rõ ràng thế nào là nhà có nhiều căn hộ (không thuộc quản lý về PCCC) và thế nào là nhà trọ (thuộc diện quản lý về PCCC) để kiểm tra, hướng dẫn cho phù hợp. Cũng không có căn cứ để tạm đình chỉ hoạt động những cơ sở này" - Trung tá Lê Văn Tân cho biết.
Tại nhiều chung cư, nhất là các chung cư nhà ở xã hội hoặc bố trí tái định cư hiện chưa có Ban quản trị để điều hành hoặc vì sợ trách nhiệm nên Ban quản trị cũ giải thể trước thời điểm kiểm tra. Tại chung cư chung cư số 2 Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Cường Bắc, Ban quản trị mới vừa thành lập trước thời điểm kiểm tra vài ngày và chưa có quyết định công nhận của Chủ tịch UBND quận.
Theo một thành viên trong Ban quản trị mới của chung cư, sau khi xảy ra vụ cháy tại Hà Nội khiến nhiều người thiệt mạng và có thông tin tổng kiểm tra, rà soát an toàn PCCC các chung cư, Ban quản trị cũ xin nghỉ hết vì sợ trách nhiệm hoặc vì lý do khác. Cư dân chung cư phải tổ chức họp gấp bầu ra Ban quản trị lâm thời để điều hành hoạt động.
Chưa đảm bảo an toàn PCCC đã vào ở
Tại quận Sơn Trà và Liên Chiểu, kết quả kiểm tra nhiều chung cư cho thấy việc kiểm tra duy trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC chưa được chủ đầu tư quan tâm; hệ thống báo cháy tự động chưa đảm bảo; trạm bơm không đủ áp lực để phun nước chữa cháy, các van vận hành bị rò rỉ nước; bình chữa cháy không bố trí theo các khu vực yêu cầu… Bên cạnh những bất cập về hệ thống hạ tầng PCCC, nhân sự vận hành công tác PCCC tại nhiều chung cư còn hạn chế, chưa nắm rõ được quy trình về PCCC.
Tại chung cư Viconland (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), lực lượng chức năng kiểm tra các quy định về PCCC nhưng không có người đại diện Ban quản trị chung cư phối hợp làm việc. Thời điểm kiểm tra, chung cư này không có Ban quản trị mà chỉ có người dân tự đứng ra điều hành hoạt động nên xảy ra nhiều bất cập. Lạ lùng là dù chưa đáp ứng được điều kiện về PCCC và CNCH nhưng chủ đầu tư chung cư này đã mua bán, để nguời dân vào ở cả chục năm nay...
Tại địa bàn quận Thanh Khê, các tổ kiểm tra liên ngành đã tập trung kiểm tra nhiều nhất đối với nhà cho thuê trọ, căn hộ cho thuê. Qua đánh giá, đa phần, các cơ sở này đều xây dựng và đưa vào sử dụng sai công năng theo hồ sơ đăng kí và giấy phép cơ quan chức năng cấp và không được đầu tư trang thiết bị PCCC. Lối ra thoát nạn cũng không đảm bảo về yêu cầu và số lượng theo quy định hoặc được bố trí tạm bợ theo kiểu đối phó. Ngoài ra, đối với loại hình nhà ở kết hợp cho thuê trọ còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói tại khu vực để xe của khách thuê trọ tại tầng trệt với các tầng trên…
Trung tá Trương Huy Chương, Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết, phần lớn các căn hộ cho thuê không đảm bảo quy định về PCCC, không có người thường trực. Các chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh các loại hình nhà trọ, nhà có nhiều căn hộ cho thuê đều không thực hiện việc lập phương án chữa cháy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, không lập phương án cứu nạn cứu hộ, không có hồ sơ theo dõi hoạt động PCCC và CNCH, chưa lắp đặt phương tiện PCCC... theo quy định.
Cùng với đợt kiểm tra đang được tiến hành, Công an TP Đà Nẵng đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được những kiến thức về PCCC và CNCH để người dân biết và chủ động phòng ngừa. Đối với những cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản, cơ quan Công an sẽ đề xuất phương án xử lý tạm thời để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên về lâu dài, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tăng cường công tác PCCC tại các khu đô thị, khu dân cư không chỉ trên địa bàn Đà Nẵng mà cả trên phạm vi cả nước.