Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan

Thứ Hai, 08/11/2021, 07:17

Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.

Trong 2 tuần gần đây, nhiều địa phương trên cả nước dịch COVID-19 tiếp tục nóng trở lại, đặc biệt là Hà Nội, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc. Sau khi giảm xuống dưới mốc 4.000 ca nhiễm/ngày và trung tuần tháng 10 thì đến những ngày đầu tháng 11, số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại, có ngày lên tới hơn 7.500 ca tại 60 tỉnh, thành trên cả nước.

Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan -0
Ga Cát Linh quá tải trong ngày vận hành thứ hai.

Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.

Hà Nội có 12 chùm ca bệnh phức tạp

2 tuần gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục nóng trở lại, số ca mắc mới liên tục tăng, thành phố xuất hiện nhiều ổ dịch mới, phức tạp, lây lan nhanh. Điển hình, ngày 4/11 Hà Nội ghi nhận 104 ca mắc, trong đó có 64 ca cộng đồng; ngày 5/11 có 133 ca, trong đó có 61 ca cộng đồng.

Theo đại diện CDC Hà Nội, TP hiện có 12 ổ dịch mới trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, trong đó có chuỗi lây nhiễm vượt 100 ca như ổ dịch huyện Quốc Oai có 145 F0, huyện Mê Linh 159 F0, ổ dịch chợ Ninh Hiệp 104 F0.

Tính từ ngày 11/10 đến 6/11, Hà Nội đã ghi nhận 901 ca dương tính, trong đó có 310 ca cộng đồng. Trong quá trình thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 218, việc xuất hiện ca COVID-19 cộng đồng tại Hà Nội là điều nằm trong dự báo và sẽ còn tăng, có thể vài chục ổ dịch, chùm ca bệnh là điều không tránh khỏi.

Mầm bệnh trong cộng đồng ở Hà Nội luôn tiềm ẩn, trong thời gian tới có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới khi Hà Nội và các tỉnh mở cửa, nới lỏng các hoạt động, người dân đi lại giữa các vùng dịch, đặc biệt là một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Thọ, Bắc Giang… Trong đó, không ít người về từ vùng dịch chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà. Nhiều người vẫn đi lại, giao lưu, dẫn đến các ca bệnh thứ phát.

Không chỉ Hà Nội “đổi màu” cấp độ dịch, mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự. Trong tuần qua, số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh Tây Nam Bộ như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Một số tỉnh, thành phố: Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang xuất hiện một số ổ dịch mới với nhiều ca mắc ngoài cộng đồng. Cụ thể, ngày 6/11 tỉnh An Giang phát hiện 427 F0, Cần Thơ 181 ca, Cà Mau 140 ca, Phú Thọ 71 ca, Nghệ An 50 ca, Quảng Ninh 41 ca…

Làn sóng người di cư từ các tỉnh phía Nam về đã khiến số ca tăng mạnh ở nhiều tỉnh không có F0, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc như Hà Giang. Ngay cả hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh F0 cũng đã tăng trở lại.

Nhiều người dân còn chủ quan

Nhìn nhận mầm bệnh vẫn luôn tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca dương tính còn lẩn khuất mà chưa được phát hiện, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt 5K, đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine khi Hà Nội nới lỏng nhiều hoạt động trở về trạng thái bình thường mới... Nhiều người lo ngại khi một bộ phận người dân Hà Nội vẫn đến những nơi đông người, tụ tập vui chơi.

Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan -0
Nguy cơ dịch bùng phát trở lại, người dân không được chủ quan.

Với những chùm ca bệnh cộng đồng phát hiện nhiều trong 2 tuần qua, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: Đây là điều đã được dự báo trước, nhưng lo nhất là làm sao kiểm soát được dịch không bùng phát mạnh, vì nhiều người chưa tiêm vaccine, nên nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19. Ông Phu lo lắng khi hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine của người dân ở khu vực Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc còn thấp, nếu bùng phát dịch, người bệnh diễn biến nặng, đáp ứng về y tế không kịp, sẽ dẫn đến tử vong.

Nhấn mạnh về Nghị quyết 128 là tiêm vaccine, chuẩn bị cơ sở điều trị, ông Phu nói: Các tỉnh phải căn cứ vào đó để có phản ứng, nếu không rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn phải thực hiện Chiến lược “Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch và điều trị hiệu quả”. Chỉ thay đổi giải pháp trong chiến lược để phù hợp với tihf hình mới là “không Zero Covid”. Chúng ta vẫn phải phát hiện dịch sớm, xử lý ổ dịch. Xét nghiệm phát hiện ra ổ dịch sớm nhất, nếu để “toang” rất khó dập. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ, đánh giá theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp”.

Đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, dù Hà Nội có nhiều ổ dịch cộng đồng, song số mắc nặng không nhiều do phần lớn đã được tiêm vaccine. Lo nhất hiện nay là quá tải hệ thống y tế, bởi quá tải dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong.

“Thủ đô vẫn phải tiếp tục phát hiện sớm, truy vết, phong tỏa, dập dịch. Phát hiện càng sớm càng tốt để truy vết, dập dịch khi ổ dịch còn nhỏ, nếu để thành ổ dịch lớn, lúc đó khó kiểm soát. Hà Nội cần có những giải pháp thay đổi làm sao cho hợp lý hơn. Chẳng hạn, các ngành nghề kinh doanh được hoạt động trở lại phải có phương án, không được buông xuôi. Ví dụ như nhà hàng chỉ được hoạt động 50% công suất nhưng phải có sự kiểm tra, giám sát xem các cơ sở có thực hiện đúng không”, ông Phu nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội nên xem xét cho các F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà để chống lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung khi quá tải.

Để không bùng phát đợt dịch mới, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân tuyệt đối không chủ quan nghĩ rằng đã tiêm 2 mũi vaccine thì không trở thành F0, bởi tỷ lệ người đã tiêm 1-2 mũi vaccine mắc COVID-19 rất cao. Vì vậy, người dân ở 4 tỉnh có dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long đã tiêm vaccine khi đến các địa phương khác phải tuân thủ 5K để tránh lây lan ra cộng đồng (nhiều người tiêm vaccine mắc COVID-19 không có triệu chứng).

“Các tỉnh phải cảnh giác, có biện pháp kiểm soát người từ các vùng dịch về như theo dõi sức khỏe tại nhà phải tuân thủ đúng quy định, không ra ngoài, tiếp xúc, giao lưu… Chú trọng nâng cao hệ thống điều trị để đáp ứng khi dịch xảy ra. Phải tuyên truyền để người dân tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo như đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên… và phải luôn lưu lý bên cạnh mình luôn có khả năng có F0 để tuân thủ 5K”, ông Phu nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.
.