Nguồn nước sông ô nhiễm, người nuôi tôm trắng tay

Chủ Nhật, 18/06/2023, 08:07

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm bên bờ Bắc sông Bến Hải. Tận dụng lợi thế đồng bằng và gần sông, hơn 20 năm nay, bà con nông dân ở đây chuyển hầu hết diện tích trồng lúa, hoa màu sang nuôi tôm nước lợ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nguồn nước sông bị ô nhiễm khiến tôm nuôi sau 15 ngày đến 1 tháng chết hàng loạt; người nông dân mất trắng hàng chục tỉ đồng.

Toàn xã Vĩnh Sơn có 4 thôn nuôi tôm nước lợ, trong đó các thôn Phan Hiền, Huỳnh Xá Hạ lấy nước từ cuối nguồn sông Sa Lung (trước khi hòa vào sông Bến Hải); Huỳnh Thượng và Tiên An lấy nước từ sông Bến Hải.

Hằng năm, thời điểm sau Tết Nguyên đán, bà con bắt đầu làm sạch ao, hồ, chuẩn bị các loại vật tư cần thiết, đến khoảng đầu tháng 4 dương lịch thì xuống vụ. Tuy nhiên, năm nay, bắt đầu 2 thôn Huỳnh Xá Hạ và Phan Hiền, tôm sống, phát triển được chỉ 15 ngày đến 1 tháng, sau đó chết hàng loạt.

onhiem.jpg -0
Nông dân nuôi tôm ở Vĩnh Sơn trắng tay vì nguồn nước sông bị ô nhiễm.

Ông Trần Văn Lưu (70 tuổi, trú thôn Phan Hiền) chia sẻ, ông là người đầu tiên nuôi tôm ở Vĩnh Sơn, bắt đầu từ năm 2000. Qua hầu hết các vụ nuôi đều có thiên tai và dịch bệnh nhưng chưa có khi nào mất trắng như năm nay. Tôm sau khi thả chỉ một thời gian ngắn, bị nổ vỏ và chết bất thường, không tìm ra nguyên nhân. Khi dùng Izurin để khử khuẩn, phát hiện tạp chất có trong nước kết tủa và lắng xuống, tôm ở những chỗ đó tản ra nơi khác và phần lớn tấp vào bờ hồ. Sau đó khoảng 2 đến 3 ngày, số tôm còn sống sót cũng chết trắng. “Rõ ràng nguồn nước sông Sa Lung được chúng tôi dẫn vào ao, hồ nuôi ô nhiễm nghiêm trọng, không thể xử lý bằng hóa chất thông thường”, ông Lưu nhận định.

Vụ tôm năm nay, gia đình ông Lưu nuôi tổng cộng hơn 6ha, bị thiệt hại hơn một nửa với khoảng 300 triệu đồng. So với hầu hết các gia đình khác ở đây, gia đình ông bị thiệt hại thấp hơn, nhờ gần một nửa diện tích trong số đó được nuôi bằng công nghệ của Israel. “Trước đây, với công nghệ này, tôm nuôi hầu như không bị chết cho đến lúc thu hoạch. Tuy nhiên, vụ nuôi vào đầu tháng 4 vừa rồi, chúng bị chết tới hơn 30%”, ông Lưu cho biết thêm. Với công nghệ nuôi tôm của Israel có mức kinh phí đầu tư lớn, gần 2 tỉ đồng/3ha, trong đó hơn 2ha dành làm hồ chứa, lọc nước phục vụ cho chưa tới 1ha nuôi còn lại. Được biết, hiện tại ở Vĩnh Sơn mới chỉ gia đình ông Lưu có nguồn lực áp dụng công nghệ nuôi tôm nói trên. Số bà con còn lại, với hình thức nuôi thông thường, nên tôm nuôi chỉ sau thời gian ngắn bị chết trắng do nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng.

Sáng 16/6 vừa qua, theo ghi nhận của PV Báo CAND tại vùng nuôi tôm thôn Phan Hiền, mặc dù đang là vụ chính, hầu hết ao, hồ ở đây đều bỏ hoang, ít người qua lại. Ở một số hồ vừa được hút cạn nước, xác tôm to chỉ bằng đầu đũa bám dày đặc các mép bờ hồ, bốc mùi hôi thối.

Theo ông Trần Hữu Chính, Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Xá Hạ, toàn xã Vĩnh Sơn có trên 170ha ao, hồ nuôi tôm nhưng đến thời điểm hiện tại ngoài gần 1ha nuôi theo công nghệ Israel của gia đình ông Lưu, tất cả đều bị chết trắng, mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp, kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm nhưng không cứu vãn được, tổng thiệt hại ước tính trên 40 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hồ Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay, nguồn nước trên sông Sa Lung và sông Bến Hải chắc chắn bị ô nhiễm. Sau báo cáo và kiến nghị tìm nguyên nhân để xử lý của UBND xã Vĩnh Sơn, đầu tháng 5/2023, Sở TN&MT Quảng Trị phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh và UBND các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) tổ chức khảo sát, lấy mẫu đánh giá chất lượng nguồn nước trên sông Sa Lung đoạn từ cầu Hiền Lương đến chân đập Sa Lung. Cụ thể, đoàn tiến hành lấy 4 mẫu nước, trong đó có 2 mẫu trên sông chính Sa Lung, 1 mẫu trên sông nhánh Sa Lung, 1 mẫu tại kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm thôn Phan Hiền. Trước đó, UBND xã Vĩnh Sơn cũng đã lấy mẫu nước trên các sông Sa Lung, Bến Hải và bàn giao lại cho đoàn. Qua kết quả phân tích các mẫu nước của Trung tâm Quan trắc TN-MT thuộc Sở TN&MT Quảng Trị xác định, 2 mẫu nước lấy trên sông chính Sa Lung có kết quả quan trắc các thông số nằm trong giới hạn B1 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, 3 mẫu nước còn lại có các thông số khác nhau vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn nói trên và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để xử lý. “Đối với người dân của chúng tôi, trước mắt rất cần một lượng lớn hóa chất Chlorine để xử lý môi trường nước trong các ao, hồ nhằm chuẩn bị cho vụ nuôi tới. Đồng thời, rất mong chính quyền, cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh khẩn trương truy tìm nguyên nhân, xử lý ô nhiễm để việc nuôi tôm của người dân trên địa bàn được đảm bảo lâu dài”, ông Quyết mong muốn.

Thanh Bình
.
.
.